Theo luật sư Thiệp, đây là lần đầu tiên ông bị yêu cầu phải cung cấp hợp đồng bào chữa. "Đây là loại hợp đồng dân sự xây dựng trên sự thoả thuận giữa hai bên, có thể ký kết bằng văn bản mà cũng có khi chỉ là thoả thuận miệng", ông Thiệp nói. Dù vậy, để đáp ứng yêu cầu của VKS, ông Thiệp đã làm xong hợp đồng và đang chờ con trai của Lương Quốc Dũng đi công tác về ký. Mẫu hợp đồng là do văn phòng tự nghĩ ra. Theo luật sư Phạm Thanh Bình (Văn phòng luật sư Hồng Hà): "Hiện, chưa có quy định thống nhất về hình thức của loại văn bản này. Có văn phòng làm hợp đồng dài 1 trang giấy, cũng có nơi viết chặt chẽ dài tới 5 trang".
Việc bị yêu cầu cung cấp hợp đồng dịch vụ pháp lý không chỉ khiến một mình ông Thiệp cảm thấy phiền hà mà một số luật sư khác cũng có cảm nhận như vậy. Theo họ, khi đến làm việc với các cơ quan tố tụng để xin cấp chứng nhận bào chữa, luật sư chỉ cần xuất trình giấy mời bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc gia đình đương sự cùng một số giấy tờ liên quan khác. Việc yêu cầu cung cấp hợp đồng là thừa, bởi có hợp đồng, thoả thuận thù lao giữa hai bên thì luật sư mới nhận tham gia bào chữa. Điều tế nhị khác là trong hợp đồng có ghi tiền công của luật sư. Đây là vấn đề bí mật của nhiều luật sư, bí mật kinh doanh của văn phòng luật sư.
Theo một nguồn tin riêng của VnExpress, sáng nay VKSND Hà Nội đã gửi hồ sơ vụ án Lương Quốc Dũng lên VKSND Tối cao để xin ý kiến chỉ đạo. Trong vài ngày tới, VKSND Hà Nội sẽ ra cáo trạng truy tố Lương Quốc Dũng.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Hà Nội đã chuyển sang VKSND thành phố 2 lá đơn kiến nghị của Lương Quốc Dũng. Theo đó, Lương Quốc Dũng không nhận có sự doạ dẫm, đánh đập, ép buộc cháu Y. phải quan hệ tình dục. Việc giao cấu là có sự tự nguyện, đồng ý của Y. dưới sự môi giới và dẫn dắt của Nga "Chọi". Lương Quốc Dũng không đồng ý với tội danh hiếp dâm trẻ em mà cơ quan điều tra đề nghị VKS truy tố với mình.
Anh Thư