Chiều 28/12, ngày thứ 7 xét xử vụ án vi phạm đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Đồng Nai gây thiệt hại hơn 152 tỷ đồng, đại diện VKSND Hà Nội đối đáp với nội dung bào chữa được luật sư nêu những ngày qua.
Theo VKS, đây là vụ án được tổ chức tinh vi, phân vai đầy đủ dưới sự "chủ mưu, cầm đầu và đạo diễn" của bà Nhàn. Mỗi người được phân công trách nhiệm cụ thể với các quyền lợi, nghĩa vụ rõ ràng. Giúp sức tích cực cho bà Nhàn là Phó tổng giám đốc Trần Mạnh Hà, tiếp đến là Phó tổng giám đốc Hoàng Thị Thuý Nga.
VKS không đồng ý với quan điểm của luật sư nói "nhiều bị cáo bị quy kết bỏ trốn là không đúng", do họ đã xuất cảnh từ khi vụ án chưa khởi tố. Luật sư đề nghị tạm đình chỉ điều tra bị can hoặc gỡ lệnh truy nã với những bị cáo này.
Dẫn quy định pháp luật, công tố viên cho hay toà chỉ có thể xét xử vắng mặt khi người đó bỏ trốn, đã phát lệnh truy nã mà không có kết quả hoặc đang ở nước ngoài, vì lý do bất khả kháng không thể về tham dự phiên toà. Tuy nhiên, trong vụ án này, bà Nhàn và 7 người bỏ trốn đều có hành vi phạm tội liên quan những bị can khác nên nhà chức trách không tạm đình chỉ điều tra bị can mà vẫn truy tố, xét xử "là đúng".
Về ý "không bỏ trốn", VKS đối đáp, luật không quy định thời điểm nên trốn trước hay sau khi khởi tố "đều bị cáo buộc là bỏ trốn, không chịu trách nhiệm trước pháp luật". Hơn nữa, cả 8 bị cáo đều chưa bị bắt hoặc ra đầu thú nên VKS bác quan điểm đề nghị gỡ lệnh truy nã.
Đề nghị giảm án cho cựu chủ tịch Đồng Nai
Cơ quan công tố đánh giá cao tinh thần của cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái khi thành khẩn nhận tội từ lúc điều tra đến giai đoạn truy tố, xét xử. Trong 36 bị cáo, VKS thấy ông Thái "nổi trội nhất" nên đề nghị toà giảm thêm hình phạt. Tại phần luận tội, VKS đề nghị tuyên phạt ông Thái 9-10 năm tù về tội Nhận hối lộ, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Khai trước toà, ông Thái cho hay đã thành khẩn nhận tội về các sai phạm gây ra trong quá trình công tác. Trước yêu cầu cần làm rõ các vấn đề, ông Thái cho rằng "đã nhận tội hết rồi, không cần làm gì nữa".
Ông mong HĐXX cho các bị cáo khác được hưởng khoan hồng.
Trong phần tranh luận, luật sư của cựu bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành đề nghị cho thân chủ được hưởng tình tiết giảm nhẹ "đã tự thú". Nhưng VKS cho rằng, phải qua bốn lời khai, bốn bản tường trình trong hồ sơ vụ án ông Thành mới khai nhận đủ số lần, số tiền nhận hối lộ. Đây là kết quả đấu tranh của cơ quan điều tra chứ không phải tình tiết tự thú theo quy định.
Theo luật sư, ông Thành không có quyền quyết định cho AIC trúng thầu nên bị truy tố về tội Nhận hối lộ là không thoả đáng. Bác quan điểm này, VKS khẳng định ông Thành là người đứng đầu Tỉnh uỷ, chịu trách nhiệm cao nhất của Tỉnh uỷ, chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực nên không thể nói "không có quyền hạn gì để cho AIC trúng thầu".
VKS sau đó công bố nhiều lời khai của ông Thành và Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ để chứng minh cựu bí thư quan tâm đặc biệt đến dự án đấu thầu tại bệnh viện. "Bởi thế cáo buộc ông Thành lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ 14,5 tỷ đồng của AIC là có căn cứ", VKS lập luận.
Với bị cáo Bồ Ngọc Thu, cựu Giám đốc Sở kế hoạch đầu tư, luật sư cho rằng bà không có hành vi vụ lợi nên đề nghị chuyển tội danh. Tuy nhiên, VKS khẳng định bà Thu có hai động cơ vụ lợi. Thứ nhất, được lợi về mặt phi vật chất khi không làm "bí thư phật ý". Thứ hai, được lợi về vật chất khi bà Thu nhận hơn một tỷ đồng từ AIC.
Về tranh luận ông Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, cựu Giám đốc Sở Y tế) không phạm hai tội như truy tố, VKS cho rằng ông Vũ là người trực tiếp quản lý dự án, ký hồ sơ từ khâu chuẩn bị đến đấu thầu.
VKS sau đó dẫn chứng nhiều lời khai thể hiện, ông Vũ nhiều lần gọi điện cho bà Nhàn để bàn bạc về các gói thầu. Khi được Bí thư Tỉnh ủy "mở lời", ông Vũ đồng ý và giúp đỡ AIC để được trúng thầu.
Ông Vũ bị cáo buộc đã 6 lần nhận 14,8 tỷ đồng từ AIC và sau nhiều lần nhận tiền đều nhắn tin cảm ơn bà Nhàn. Nhận dạng trong quá trình điều tra, ông Vũ cũng nhận ra ngay ông Trần Mạnh Hà, người đã nhiều lần thay mặt bà Nhàn, đưa tiền cho mình tại phòng làm việc.
Theo VKS, việc hứa hẹn của ông Vũ với bà Nhàn là mặc định, ở đây được hiểu là "cơ chế ngầm" nên truy tố về hai tội là có căn cứ.
AIC đề nghị được khắc phục hậu quả thay các bị cáo
Chiều 28/12, đại diện Công ty AIC cho rằng họ là bị đơn, còn nguyên đơn là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, chứ không phải UBND tỉnh Đồng Nai. Đây là thiệt hại theo hợp đồng đã ký giữa Công ty AIC chứ không phải của các cá nhân.
Vị đại diện khẳng định AIC sẽ phải bồi thường 152 tỷ đồng thiệt hại trong vụ án, chứ không phải ba cá nhân là bà Nhàn, ông Hà và bà Nga như VKS đề nghị. Do đã phong toả hơn 107 tỷ đồng của AIC tại các tài khoản ngân hàng và nếu cần, nhà chức trách có thể phong toả thêm để phục vụ bồi thường.
Tuy nhiên, theo VKS, đây là vụ án hình sự nên trách nhiệm bồi thường thuộc về những người gây ra hành vi trái pháp luật. Bởi thế, bà Nhàn phải bồi thường 2/3 thiệt hại; hai phó tổng AIC Hà và Nga bồi thường 1/3.
"Hơn nữa, Công ty AIC nhận bồi thường nhưng không có tài sản gì để bồi thường nên quan điểm của VKS là buộc các cá nhân bồi thường để đúng tinh thần là thu hồi triệt để cho tài sản cho Nhà nước", đại diện VKS đối đáp.
VKS đề nghị tiếp tục kê biên sáu căn hộ chung cư trên phố Lý Thường Kiệt và căn biệt thự trên phố Nguyễn Huy Tự đứng tên bà Nhàn; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xác minh số tiền 107 tỷ đồng bị phong toả tại các tài khoản của AIC và căn biệt thự trên phố Trần Hưng Đạo do bà Nhàn nhờ cha đẻ đứng tên...