Trước thềm Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) 2015 diễn ra tại Hà Nội, đại diện Ban tổ chức – ông Vũ Thế Bình – Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ với VnExpress về những đổi mới cũng như kỳ vọng đối với sự kiện này. Theo ông, đây là cơ hội giúp Việt Nam khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực trước các quốc gia khác trên thế giới trong khi đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất vẫn là người dân.
- Xin ông cho biết lý do nào để Ban tổ chức chọn chủ đề năm nay là Việt Nam – Đất nước của các di sản?
- Việt Nam có rất nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên. Đó là lợi thế để chúng ta phát triển du lịch. Nhưng sự hấp dẫn của di sản mới chỉ là nguồn nguyên liệu thô để xây dựng sản phẩm du lịch. Còn rất nhiều việc cần làm để biến di sản thành các sản phẩm du lịch thực sự.
VITM Hà Nội 2015 chọn chủ đề Việt Nam – đất nước của các di sản để khẳng định đây là một đất nước giàu di sản và chúng ta có những nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch. Vấn đề là làm sao các cấp, ngành cùng doanh nghiệp và nhân dân hợp tác, đưa những giá trị đó đến với thế giới. Việc tôn vinh các di sản không chỉ thể hiện lòng tự hào dân tộc mà còn mang đến nguồn sống cho nhân dân, nguồn lực cho phát triển kinh tế của các vùng miền cả nước.
- So với những năm trước, ông cho biết sự kiện VITM lần này có gì mới?
- Nét mới là số lượng đơn vị hàng không quốc tế tham dự tăng cao tới 12 hãng, trong đó có 3 doanh nghiệp lần đầu tiên đến Việt Nam là Kenya, Kazakhstan, JejuAir. Về mặt hình thức, VITM Hà Nội năm nay có sự đổi mới rõ rệt. Các gian hàng lớn được thiết kế ấn tượng, bởi thế hội chợ mang dáng dấp trình diễn kiến trúc. Diện tích gian hàng tăng cao, cho phép doanh nghiệp có đủ không gian để phản ánh nét đặc sắc văn hóa truyền thống mỗi vùng miền cũng như bản sắc.
Không gian Triển lãm Giảng Võ không đủ để tổ chức nhiều hoạt động. Vì thế cùng một lúc, các địa điểm khác nhau trong thành phố cũng diễn ra những hội thảo, hội nghị, họp báo, các buổi giới thiệu sản phẩm… Như thế, phạm vi hoạt động của chương trình không chỉ nằm trong lòng triển lãm Giảng Võ mà còn làn tỏa ra các điểm du lịch khác.
Trong những ngày diễn ra sự kiện, các đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội cũng mở những nhiều biểu diễn miễn phí tại nhà hát của họ để mời các đoàn đến xem. Do vậy, sự hưởng ứng của thành phố cũng như các doanh nghiệp có chiều sâu, lan tỏa rộng hơn so với những năm trước.
- Vậy khách tham gia sẽ được hưởng những quyền lợi, ưu đãi nào, thưa ông?
- Khách ghé thăm hội chợ sẽ thu nhận nhiều điều bổ ích, chẳng hạn hiểu rõ hơn về ngành kinh tế du lịch và tham dự các hoạt động. Họ cũng có cơ hội sở hữu các sản phẩm du lịch khuyến mại với giá giảm 20-50%, số lượng tới 8.000 tour. Ngoài ra còn có cơ hội mua vé máy bay giá rẻ, từ 22.000 đồng đối với chặng quốc tế và 333.000 đồng khi bay nội địa. Số lượng là 15.000 vé.
Nếu may mắn, khách tham gia còn được nhận phần thưởng từ các resort, khách sạn. Tổng cộng là 600 coupon, trong đó bao gồm cả từ các hãng máy bay và công ty lữ hành. Các màn biểu diễn nghệ thuật của Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan cũng góp vui trong sự kiện này.
- Sau 3 năm tổ chức, ông nhận thấy hoạt động của VITM tạo ra những thay đổi gì cho du lịch Việt Nam?
- VITM tổ chức theo hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Tại hội chợ, các địa phương, tổ chức xúc tiến du lịch tuy được giảm chi phí đất và gian hàng nhưng về cơ bản vẫn đóng góp như một doanh nghiệp. Điều đó làm thay đổi dần nhận thức về công tác xúc tiến du lịch vốn dựa chủ yếu vào ngân sách như trước đây.
Người dân Việt Nam có cơ hội được tìm hiểu, tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp và hoạt động nghiệp vụ du lịch. Đặc biệt, VITM trở thành “chợ” mà người dân được quyền chọn lựa và mua các tour du lịch. Không chỉ là diễn đàn du lịch, VITM còn là sàn giao dịch các sản phẩm du lịch của doanh nghiệp có tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Còn Việt Nam có Hội chợ Du lịch Quốc tế chuyên nghiệp, ngang tầm các nước trong khu vực. Riêng Hiệp hội Du lịch Việt Nam với trên 3.000 hội viên đã thực sự trở thành ngôi nhà của các doanh nghiệp du lịch.
- Ông có những kỳ vọng ra sao vào chương trình VITM lần này?
- Kỳ vọng lớn nhất của tôi tại VITM Hà Nội 2015 là xây dựng được một diễn đàn du lịch thực sự, nơi các doanh nghiệp, nhà báo có thể trao đổi thẳng thắn, cởi mở với những đơn vị quản lý Nhà nước, các học giả về chính sách, biện pháp giải quyết vướng mắc, đưa Du lịch Việt Nam vượt qua khó khăn và phát triển tương đương với quốc gia khác trong khu vực.
Chương trình cũng là sự khẳng định đường lối đúng đắn của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam trong công tác xúc tiến, xã hội hóa hoạt động du lịch.
Trần Hằng