Vịt kho gừng
Thứ tư, 9/4/2025, 17:00 (GMT+7)
VnExpress Cooking - Cong thuc nau cac mon ngon moi ngay don gian
Thứ tư, 9/4/2025, 17:00 (GMT+7)

Vịt kho gừng

Vịt kho gừng hấp dẫn bởi màu hổ phách, thịt béo mềm, vị đậm đà, dậy mùi thơm ấm nóng. Món ăn dân dã này dễ chiều vị giác và tăng cường sức đề kháng trong tiết trời chuyển mùa miền Bắc.

Tác giả: Bùi Thủy

55 phút

|

4-6 người

|

2.686 kcal

Nguyên liệu

(5)

Cách làm

  1. Chọn và sơ chế vịt: Vịt chọn khoảng 60 - 80 ngày tuổi là vừa độ ngon với các dấu hiệu nhận diện như xương hông không trồi ra, da cổ và da bụng dày, lông dài mềm mượt, lật lên thấy ít lông măng, phần hai chóp cánh chéo lại xếp lên nhau, cầm nặng tay. Để khử mùi hôi từ bên trong nên cho vịt uống chút rượu trắng hoặc giấm trước khi làm. Khi sơ chế, chú ý nặn hết chất đen ở chân lông cũng như cắt bỏ phao câu vì đây cũng là tác nhân gây hôi. Sau khi sơ chế, chà xát hỗn hợp rượu gừng hoặc chanh, muối hạt để một lúc rồi rửa sạch. Nếu có lá na, vò rồi xát nhẹ khắp mình vịt vừa giúp khử mùi hiệu quả, vịt mềm ngon hơn khi nấu. Rửa lại nhiều lần cho sạch, để ráo nước rồi chặt miếng bao diêm to vì khi kho thịt vịt co lại.

  2. Chuẩn bị nguyên liệu khác: Gừng chia làm hai phần, một phần đem giã nhỏ, vắt nước cốt để tẩm ướp cho nhanh thấm vị (giữ chút bã lại), phần còn lại thái sợi để cho vào cuối khi kho tăng thêm phần bắt mắt. Hành khô bóc vỏ, băm nhỏ. Ớt bỏ hạt, thái lát. Các gia vị kho quen thuộc gồm có: Mắm, muối, đường, hạt tiêu, nước hàng. 

  3. Tẩm ướp: Cho thịt vịt vào tô hoặc hộp lớn, ướp với 1 – 2 thìa cà phê muối hạt, 1 thìa cà phê hạt tiêu, 2 thìa cà phê đường, nước cốt gừng, 1/2 lượng hành khô, 2 – 2,5 thìa canh nước mắm, 2 – 3 thìa canh nước hàng. Trộn đều tất cả và ướp tối thiểu 1 giờ. Nếu có thời gian, bọc màng bọc thực phẩm để qua đêm trong ngăn mát tủ lạnh sẽ thấm vị hơn.

  4. Xào săn: Phi thơm chút bã gừng và hành khô còn lại, cho thịt đã ướp vào xào săn. Việc này vừa giúp vịt kho thơm hơn, vừa lên màu đẹp và rút gia vị vào trong đậm đà hơn. Chú ý không đảo lâu quá, tránh làm mất nước ngọt bên trong và vịt bị khô.

  5. Kho vịt: Khi vịt săn lại, cho nước nóng vào xâm xấp bề mặt rồi đun sôi, hớt bỏ bọt. Hạ lửa nhỏ, nêm nếm gia vị lại cho đậm đà rồi kho vịt ở lửa liu riu, mở vung. Khi thịt vịt mềm, màu nâu đỏ, nước rút bớt hơi sánh lại thì thêm gừng thái sợi đảo qua, rắc chút hạt tiêu là hoàn thiện.

  6. Trình bày: Múc thịt vịt kho gừng ra bát tô loe hoặc đĩa sâu lòng, rưới phần nước sốt sóng sánh lên. Bên trên trang trí chút gừng thái sợi để tăng thêm phần hấp dẫn.

  7. Yêu cầu thành phẩm: Vịt kho giữ nguyên miếng, óng màu hổ phách đẹp mắt. Khi ăn, thịt vịt béo mềm vị đậm đà, dậy mùi thơm ấm nóng từ gừng, ớt. Món ăn dân dã này dễ chiều vị giác và tăng cường sức đề kháng trong tiết trời chuyển mùa miền Bắc. 

Chú ý

  • Vịt cần sơ chế tỉ mỉ, khử mùi hôi bằng cách cắt bỏ phao câu, thoa hỗn hợp rượu gừng hoặc lá na xát nhẹ, rửa nhiều lần cho sạch.
  • Do thịt vịt mang tính hàn nên thường kết hợp với gừng tính ấm, vị cay giúp âm dương hài hòa, món ăn tròn vị và như bài thuốc quý giàu dinh dưỡng và tăng cường sức đề kháng. 
  • Từ vịt chế biến nhiều món ngon như vịt om sấu, bún vịt xáo măng, vịt nấu chao, vịt nướng lá mắc mật, vịt cháy tỏi.

Món mới