"Đó là những tổn thương võng mạc nặng nề ngăn cản quá trình phát triển thị giác ở trẻ em", Rubens Belfort Jr., giáo sư nhãn khoa tại Đại học Liên bang Sao Paulo (Brazil) giải thích. "Nhiều bé trong số này có thể bị mù". Theo Reuters, bài đăng trên tạp chí JAMA của bác sĩ nhãn khoa Lee M. Jampol từ Đại học Northwestern (Mỹ) nhận định 35% trẻ bị sẹo võng mạc được phát hiện nhiễm virus, nhiều hơn những gì chúng ta từng chứng kiến trong quá khứ với virus Ebola và West Nile.
"Đây là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của Zika không dừng lại ở bộ não", giáo sư dịch tễ học Albert Ko ở Đại học Yale (Mỹ) nói. Ngoài mắt, virus còn tác động đến tai và làm trì trệ sự phát triển nhận thức của trẻ nhỏ. Các nhà khoa học khuyến cáo tất cả bé sơ sinh có nguy cơ tiếp xúc với virus Zika đều phải được kiểm tra võng mạc.
Virus Zika bùng phát tại Brazil từ tháng 10/2015 đã xuất hiện ở hơn 30 quốc gia. Virus này được cho là gây ra bệnh đầu nhỏ khiến trẻ sơ sinh phát triển không bình thường. Tại Việt Nam, virus chưa xuất hiện song không thể chủ quan bởi muỗi truyền Zika cũng là loài mang sốt xuất huyết.
Minh Nguyên