Bệnh sốt xuất huyết lan rộng trong những năm gần đây ở châu Âu và miền nam nước Mỹ cùng với những điểm nóng ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới như Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Phát hiện mới công bố trên tạp chí PLOS Pathogens của các nhà khoa học ở Trường Y Đại học Virginia (UVA) giúp giải thích tại sao bệnh sốt xuất huyết lại dễ lây lan như vậy và biện pháp mới để ngăn chặn lây nhiễm, Phys.org hôm 3/4 đưa tin.
Tiến sĩ Mariano A. Garcia-Blanco ở khoa Vi sinh vật học, miễn dịch học và sinh học ung thư của UVA và cộng sự nhận thấy nước bọt của muỗi lây nhiễm không chỉ chứa virus sốt xuất huyết mà cả hợp chất cực mạnh. Đó là phân tử do virus tạo ra, có thể vô hiệu phản ứng miễn dịch. Việc nhiễm phân tử có tên sfRNA thông qua vết đốt của muỗi khiến người bị đốt nhiều khả năng nhiễm sốt xuất huyết. Thông qua đưa sfRNA vào vết đốt, nước bọt của muỗi chuẩn bị sẵn sàng vị trí lây nhiễm hiệu quả, mang lại cho virus lợi thế trong trận chiến đầu tiên với hệ miễn dịch.
Trước đây, các nhà khoa học nghiên cứu muỗi nghi ngờ nước bọt của muỗi có thể chứa thứ gì đó giúp tăng cường khả năng lây nhiễm. Phát hiện của Garcia-Blanco và cộng sự hé lộ một vũ khí của virus, mở ra hướng mới để giảm nhiễm bệnh và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Garcia-Blanco dự đoán giới nghiên cứu sẽ tìm ra những hợp chất ngăn cản miễn dịch tương tự đi kèm bệnh lây qua muỗi khác như Zika, bệnh sốt Tây sông Nile và sốt vàng da do các chủng flavivirus gây ra.
Khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết và ước tính 400 triệu người nhiễm bệnh mỗi năm. Các triệu chứng của sốt xuất huyết bao gồm sốt, nôn mửa, đỏ mẩn thường bị nhầm với bệnh khác. Phần lớn bệnh nhân là trường hợp nhẹ, nhưng khoảng 1/20 ca chuyển biến nặng, có thể dẫn tới sốc, chảy máu trong và tử vong. Người dân có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần bởi bệnh đến từ 4 chủng virus truyền qua muỗi vằn.
An Khang (Theo Phys.org)