Đây là ca tử vong do virus Nipah đầu tiên được Ấn Độ ghi nhận trong năm nay, công bố ngày 21/7. Theo Bộ trưởng Y tế Veena George, cậu bé sốt cách đây 10 ngày, thở máy từ hôm 19/7. Sau khi Viện Virus học Quốc gia ở Pube xác nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus Nipah, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Ấn Độ, ngưng tim sáng 21/7.
"Chúng tôi đã thực hiện mọi nỗ lực để cứu mạng bệnh nhân, kể cả liệu pháp kháng thể đơn dòng", bà Bộ trưởng nói.
Bộ Y tế xác định 4 người tiếp xúc gần bệnh nhân, tất cả đều xuất hiện triệu chứng Nipah. Một người trong tình trạng nguy kịch và cần hỗ trợ sự sống. Một nhóm chuyên gia y tế đã được cử đến ổ dịch để điều tra dịch tễ, tìm kiếm các ca nhiễm virus tiềm ẩn, cách ly nghiêm ngặt người tiếp xúc F1, F2.
Bộ khuyến nghị người dân đeo khẩu trang, đồng thời phong tỏa ở một số khu vực thuộc Pandikkad panchayat - nơi cậu bé sinh sống - và vùng Anakkayam panchayat gần đó. Giới chức cũng công bố lộ trình dịch tễ của bệnh nhân, khuyến khích mọi người khai báo y tế nếu từng tiếp xúc với bệnh nhân.
Nipah là mầm bệnh do virus, chủ yếu phát triển ở động vật như dơi, lợn, chó và ngựa, nhưng có thể truyền sang người khi tiếp xúc với các động vật. Biểu hiện của bệnh là sốt và sưng não.
Virus Nipah được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1999 tại ổ dịch một trang trại lợn ở Malaysia. Virus cũng được tìm thấy ở một số động vật nuôi khác như ngựa, dê, cừu, mèo, chó. Từ năm 1999 đến nay, nước này chưa ghi nhận ổ dịch mới.
Năm 2001, bang Siliguri, Ấn Độ ghi nhận ổ dịch virus Nipah ở một cơ sở y tế. Riêng Kerala ghi nhận một số đợt dịch kể từ năm 2018, khiến 17 trong số 18 bệnh nhân tử vong. Năm 2021, bang báo cáo một người chết, năm 2023 ghi nhận hai ca tử vong. Với cái chết của bệnh nhân 14 tuổi, tổng số ca tử vong do Nipah tại Kerala kể từ năm 2018 đến nay lên 21.
Một số quốc gia tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus Nipah là Australia, Bangladesh, Campuchia, Ghana, Indonesia... bởi giới chức đã tìm thấy virus ở một số loài dơi ăn quả tại các nước này.
Thục Linh (Theo Reuters)