Trong bài báo đăng ngày 10/5 trên tạp chí Current Biology, các nhà nghiên cứu mô tả một chủng virus corona ở dơi mới nhận dạng gần đây mang tên RmYN02. Chủng virus này là họ hàng gần nhất với nCoV ở một số vùng trên hệ gene, chứa các đoạn chèn amino axit ở nơi nối liền giữa đơn vị phụ S1 và S2 thuộc protein hình gai của virus theo cách tương tự nCoV. Dù không phải tổ tiên tiến hóa trực tiếp của nCoV, RmYN02 cung cấp thêm bằng chứng cho thấy những đoạn chèn này có thể xuất hiện trong tự nhiên.
"Từ khi phát hiện nCoV, có một số giả thuyết cho rằng virus này có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm", trưởng nhóm nghiên cứu Weifeng Shi, giáo sư và giám đốc ở Viện Sinh học Mầm bệnh tại Đại học Y Sơn Đông, Trung Quốc, cho biết. "Đặc biệt, có nhận định đoạn chèn S1/S2 rất khác thường và có thể là bằng chứng về sự chỉnh sửa trong phòng thí nghiệm. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ rõ những sự kiện kiểu này có thể xảy ra trong tự nhiên ở động vật hoang dã. Điều này cung cấp bằng chứng thuyết phục chống lại giả thuyết nCoV thoát ra từ phòng thí nghiệm".
Các nhà nghiên cứu nhận dạng RmYN02 từ 227 mẫu vật dơi thu thập ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, từ tháng 5 đến tháng 10/2019. "Từ khi phát hiện dơi là nguồn lưu trữ virus corona gây dịch SARS năm 2005, giới nghiên cứu rất quan tâm dơi có thể trở thành loài lây lan bệnh truyền nhiễm, đặc biệt khi chúng mang nhiều chủng virus ARN đa dạng, bao gồm virus corona", Shi nói. ARN từ mẫu vật được đưa đi giải trình tự thế hệ mới hồi đầu tháng 1/2020, ngay sau khi phát hiện nCoV.
Xét trên toàn bộ hệ gene, họ hàng gần nhất của nCoV là một chủng virus khác mang tên RaTG13, được nhận dạng trước đó từ dơi ở tỉnh Vân Nam. Nhưng RmYN02, virus mới phát hiện, thậm chí còn giống nCoV hơn ở một số đoạn của hệ gene, bao gồm phần mã hóa dài nhất gọi là 1ab, nơi ARN của hai virus giống nhau tới 97,2%. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh RmYN02 không giống SAR-CoV-2 ở vùng gene mã hóa miền liên kết thụ thể chính dùng để gắn vào thụ thể ACE2 ở người mà nCoV sử dụng khi lây nhiễm tế bào chủ. Điều này có nghĩa RmYN02 ít có khả năng lây sang tế bào người.
Điểm tương đồng lớn giữa nCoV và RmYN02 là đều chứa đoạn chèn amino axit ở điểm giao nhau giữa hai đơn vị phụ của protein hình gai. nCoV có đặc trưng là đoạn chèn 4 amino axit ở giao điểm của đơn vị phụ S1 và S2. Đây là đoạn chèn chỉ có ở chủng virus này và hiện diện ở mọi hệ gene nCoV đã giải trình tự từ trước tới nay. Việc phát hiện đoạn chèn tương tự ở virus corona tìm thấy trong cơ thể dơi chứng tỏ sự kiện này có nguồn gốc tự nhiên.
"Công trình của chúng tôi làm sáng tỏ tổ tiên tiến hóa của nCoV. Cả RaTG13 và RmYN02 đều không phải tổ tiên trực tiếp của nCoV, do vẫn có khoảng cách tiến hóa giữa những virus. Nhưng nghiên cứu chỉ ra việc lấy mẫu vật nhiều loài động vật hoang dã hơn sẽ hé lộ các virus có quan hệ gần hơn với nCoV và có thể là tổ tiên trực tiếp của nó, giúp lý giải cách nCoV xuất hiện ở người", nhóm nghiên cứu kết luận.
An Khang (Theo Sci Tech Daily)