Hiện nay các nghiên cứu, điều tra tiếp theo đang được khẩn trương tiến hành để tìm nguồn lây nhiễm, bao gồm khả năng lầy từ động vật sang người, cũng như từ người sang người.
Thông tin được đưa ra tại buổi họp sáng nay giữa Bộ Y tế với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) về tình hình dịch cúm H7N9.
Theo WHO, hiện số ca mắc cúm H7N9 tại Trung Quốc đã tăng lên con số 38, 10 người tử vong. Dịch tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh rất gần nhau là Thượng Hải, An Huy, Giang Tô và Chiết Giang.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng bày tỏ quan ngại trước tính tương thích cao của virus H7N9 với động vật có vú. Trung Quốc không xuất hiện dịch cúm trên gia cầm nhưng xảy ra trên người, diễn biến bệnh nhanh, tỷ lệ tử vong khá cao. Hiện nay công tác giám sát dịch bệnh này đang được đặt lên hàng đầu, từ việc giám sát dịch bệnh của hành khách nhập cảnh cho tới việc giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm.
Tiến sĩ Scott Newman, Điều phối viên cao cấp của FAO cho biết, việc chưa thể khẳng định chắc chắn đường lây truyền tạo thách thức, khó khăn rất lớn trong việc nhận định tình hình dịch. Virus cúm này tìm thấy trên gia cầm, chim bồ câu, chim cút nhưng đây là lần đầu gây bệnh trên người.
"Bên cạnh đó, dù quan ngại về dịch cúm H7N9 nhưng chúng tôi cũng phải nhắc lại là không được quên cúm H5N1, đây là mối hiểm họa cần hết sức cảnh giác", tiến sĩ Scott chia sẻ.
Sáng nay, tại Hà Nội, Bộ Y tế cũng đã tổ chức tập huấn công tác phòng chống dịch cúm H7N9 cho lãnh đạo Sở Y tế và các bệnh viện các tỉnh thành phía Bắc. Trong tuần sau, ngành y tế sẽ tiếp tục tập huấn cho các tỉnh phía nam.
Trong khi đó, tại Trung Quốc theo tin từ AFP, Viện Hàn lâm Khoa học nước này mới đây công bố virus cúm H7N9 có thể là sự kết hợp gene giữa chim hoang dã Đông Á với gà nuôi tại khu vực đồng bằng sông Trường Giang- nơi đang bùng phát dịch cúm H7N9. Đột biến gene của virus này có thể là nguyên nhân khiến nó lây sang người và dẫn tới tỷ lệ tử vong cao.
Nam Phương