Ban đầu, các chuyên gia lo ngại về chủng H5N1 mới, nhánh 2.3.4.4b, xuất hiện vào năm 2020, gây ra số ca tử vong kỷ lục ở chim hoang dã và gia cầm nuôi trong những tháng gần đây.
"Tuy nhiên, đây là nhánh cúm gia cầm lâu đời, đã tồn tại quanh khu vực trong nhiều năm. Dù nó từng có người mắc bệnh trong quá khứ, giới chức chưa từng ghi nhận ca lây truyền từ người sang người. Điều đó không có nghĩa mối đe dọa ở virus là nhỏ", Erik Karlsson, giám đốc Trung tâm Cúm Quốc gia Campuchia, quyền trưởng phòng virus học tại Viện Pasteur, nơi giải trình tự virus, cho biết ngày 26/2.
Theo ông Karlsson, các ban ngành cần phối hợp và phản ứng nhanh chóng để ngăn chặn các ca nhiễm, hạn chế người dân tiếp xúc với bất kỳ nguồn lây phổ biến nào. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết cơ quan đang điều tra nguồn gốc virus, chưa phát hiện dấu hiệu lây lan từ người sang người.
Campuchia đã xét nghiệm H5N1 cho ít nhất 12 người vào tuần trước, sau khi một bé gái 11 tuổi tử vong. Đây là ca nhiễm đầu tiên tại nước này trong gần một thập kỷ. Cha của bệnh nhân cũng xét nghiệm dương tính virus, nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng thông tin.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang làm việc chặt chẽ với chính quyền Campuchia để theo dõi các trường hợp nhiễm virus. WHO cho biết tình hình hiện đáng lo ngại do số ca nhiễm ở chim và động vật có vú gia tăng trong thời gian gần đây.
Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm ở các loài chim, do virus cúm type A gây ra. Căn bệnh được xác định lần đầu ở Italy hơn 100 năm trước và lây lan toàn thế giới. Virus cúm gia cầm chủ yếu tồn tại ở các loài chim di cư, chim hoang dã sống dưới nước, có thể lây nhiễm cho gia cầm cũng như các loại động vật khác.
Các triệu chứng nhiễm H5N1 ở người gồm sốt cao trên 38 độ C, khó chịu, ho, đau họng, đau cơ. Một số bệnh nhân có thể bị đau bụng, tức ngực và tiêu chảy. Nhiễm virus ban đầu có thể tiến triển nhanh chóng thành bệnh hô hấp nghiêm trọng, với các biểu hiện như khó thở, thở gấp, viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính. Người bệnh cũng gặp các thay đổi về thần kinh, chẳng hạn co giật.
Theo WHO, người bệnh cần được điều trị kịp thời tại các bệnh viện, một số người cần chăm sóc chuyên sâu. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus oseltamivir, giúp giảm mức độ nghiêm trọng, ngăn ngừa tử vong.
Trước tình hình cúm gia cầm ở Campuchia, UBND TP HCM yêu cầu giám sát chặt người nhập cảnh từ vùng có dịch cúm H5N1, phát hiện ca viêm phổi nặng điều trị tại bệnh viện, kiểm dịch gia cầm nhằm chủ động ngăn chặn virus. Viện Pasteur TP HCM cũng cảnh báo 20 tỉnh thành phía Nam cảnh giác với cúm A/H5N1, tăng cường giám sát viêm phổi nặng do virus.
Thục Linh (Theo Reuters)