![]() |
Thiêu hủy gà chết. |
Theo kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của 12 bệnh nhân nhiễm virus cúm type A (11 đã tử vong) do phòng thí nghiệm của WHO tại Hong Kong gửi về chiều qua, ngoài H5N1, các bệnh phẩm còn chứa H4N6, H5N2, H9N3, và virus gây cúm B.
Sáng nay, phòng thí nghiệm của Mỹ cũng đã gửi kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm gà dịch: Cả 4 loại virus H5N1, H4N6, H5N2, H9N3 mà phòng thí nghiệm Hong Kong tìm thấy ở người bị cúm A cũng được phân lập ở mẫu bệnh phẩm gà. Theo một quan chức Viện Thú y trung ương, gà còn bị nhiễm 24 chủng virus Newcastle - gây bệnh tụ huyết trùng. Việc nhiễm cùng lúc nhiều chủng virus khác nhau khiến dịch gà trầm trọng hơn.
Theo giáo sư Hoàng Thủy Long, mối liên quan giữa dịch cúm ở gà và những bệnh nhân tử vong vì cúm type A là rõ ràng. Bởi hồi tháng 8 năm ngoái, xã An Hoà, Thanh Liêm, Hà Nam - quê của chị Phạm Thị Bảy (30 tuổi) và con gái Lê Thị Vân (12 tuổi), cùng tử vong vì cúm type A - đã xảy ra đợt dịch gà lớn làm chết hàng nghìn gia cầm. Ngoài ra, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định - quê của 2 bệnh nhi khác đã tử vong vì cúm A ở Bệnh viện Nhi trung ương - cũng từng có dịch cúm gà...
Giáo sư Hoàng Thủy Long nói: "Bước đầu có thể kết luận nguồn gốc lây nhiễm virus cúm type A cho người là dịch cúm gia cầm".
Ông Long cho biết, chưa thể xác định được con đường lây nhiễm, nhưng có thể H5N1 lây từ gà sang chó, lợn, bò... và sau đó lan sang người. Giả thiết này khá phù hợp với thực tế là một số trại gà ở phía Bắc năm ngoái cũng có dịch gà chết hàng loạt nhưng không công nhân chăn nuôi nào nhiễm bệnh cúm A.
"Tôi liên tục cảnh báo những ảnh hưởng của dịch gà hiện nay đối với sức khỏe của con người. Nếu chúng ta không giám sát tốt, để virus có thời cơ lây lan sang gia súc, đặc biệt là lợn, chúng sẽ khuếch đại, biến thể ở vật chủ này và gây ra dịch cúm A cực kỳ nguy hiểm", giáo sư Long nói.
Cục Thú y không đồng tình với nhận định của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương là cúm gà lây lan sang gia súc rồi lây sang người. Cục phó Đậu Ngọc Hào cho rằng virus cúm gà chỉ có thể lây sang một vài cá thể đặc biệt ở người cũng như ở gia súc, khi những cá thể này có điểm yếu trong hệ miễn dịch. Còn giả định virus H5N1 lây từ gà sang người qua trung gian thì theo ông Hào, "ngành thú y chưa có biện pháp nào để cách ly gia súc và gia cầm".
Cục Thú y đã cho phép Công ty CP (Công ty thức ăn chăn nuôi tại Chương Mỹ, Hà Tây) thử nghiệm tiêm vacxin phòng dịch cúm cho gà ở một số trại của đơn vị này. Số liều vacxin được nhập lên tới vài chục nghìn. Tuy nhiên, ông khẳng định Cục không khuyến khích việc sử dụng vacxin, và sẽ giám sát chặt số gà được tiêm thử nghiệm và kiểm tra kháng thể liên tục trong 6 tháng để đề phòng virus biến chủng khi tiêm phòng cho gà. "Cũng có thể xảy ra hiện tượng bài trùng, có nghĩa gà không có biểu hiện bệnh, nhưng virus vẫn lưu hành, và có thể bùng phát thành dịch vào những thời điểm bất ngờ nhất", ông nói.
Viện Vệ sinh dịch tế trung ương đang tiến hành những xét nghiệm tiếp theo để khẳng định mức độ lưu hành của virus cúm type A ở tỉnh Hà Nam. 16 mẫu bệnh phẩm của những người từng tiếp xúc với chị Bảy, cháu Vân và những người có biểu hiện cúm, cùng 2 mẫu bệnh phẩm từ những con gà còn sót lại từ đợt dịch trước đã được lấy về Viện để xác lập virus. Kết quả xét nghiệm sẽ có được trong khoảng 4-5 ngày tới.
- Năm 1997, Hong Kong đã xảy ra một vụ dịch cúm gà lớn, hung thủ là virus H5N1. Vụ dịch này đã lan sang gây bệnh ở 18 người trong đó 6 tử vong. Ngay sau đó, chính quyền Hong Kong đã ra lệnh giết 1 triệu con gà, tiến hành những biện pháp phòng dịch cứng rắn. Bệnh cúm ở người sau đó dừng lại. |
Thiên Đức - Việt Anh