Gần hai năm qua, dịch Covid-19 đã tạo gánh nặng lên ngành y tế, cộng đồng. Bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao, ảnh hưởng đến nền kinh tế của nhiều quốc gia.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Khắc Bảo, Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt cho biết, Covid-19 có thể song hành cùng nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác, nguy cơ gây dịch chồng dịch, trong đó có cúm mùa. Tháng 10, 11 thường là cao điểm cúm mùa ở nước ta. Người lớn, trẻ em có nguy cơ đồng nhiễm cả nCoV và virus cúm mùa.
Bác sĩ Bảo cho biết, cúm mùa và Covid-19 có các đặc điểm lâm sàng rất giống nhau. Cả hai đều có thể gây sốt, ho, đau nhức người, đôi khi tiêu chảy và ói mửa. Ngay cả bác sĩ cũng không thể dựa trên đặc điểm lâm sàng để phân biệt mà cần phải làm xét nghiệm. Song việc thực hiện xét nghiệm Covid-19 nhiều lần làm tăng chi phí cho cá nhân và xã hội.
Virus gây cúm mùa và virus gây Covid-19 đều có thể gây viêm phổi và tử vong. Các đối tượng dễ mắc viêm phổi và tử vong khi mắc cúm, Covid-19 thường là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy gan, suy thận, ung thư.
"Một khi bệnh nhân viêm phổi, suy hô hấp do nhiễm cúm, ngành y tế sẽ phải chia sẻ nhân lực y tế và vật lực như dây thở oxy, máy thở, máy ECMO dự trù để chữa cho Covid-19 sang chữa cho các trường hợp viêm phổi do virus cúm", bác sĩ Bảo nói thêm.
Cả hai bệnh này đều có thể tồn tại dưới dạng không triệu chứng, làm người nhiễm virus dễ dàng phát tán virus cho người khác.
Bác sĩ Bảo chia sẻ thêm, khả năng lây lan của cả hai cao, cụ thể là một người nhiễm cúm có thể lây cho 1-2 người, một người nhiễm Covid-19 có thể lây cho 2-3 người khác, thậm chí là 7 người nếu đây là biến chủng Delta. Ở các không gian chật hẹp, người đông, thông khí kém, mức độ lây lan có thể cao hơn. Khi người bệnh nhiễm virus thứ nhất làm tổn thương hàng rào bảo vệ tai mũi họng ví dụ làm niêm mạc mũi họng viêm, phù nề, có nhiều dịch tiết mũi họng, từ đó tạo điều kiện cho virus thứ hai bám vào gây bệnh.
Cách phòng cúm mùa và Covid-19
Tuân thủ khuyến cáo 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế), cách ly xã hội đã giúp giảm lây lan nCoV. Tuy nhiên, cách ly xã hội có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế. Bên cạnh công tác khoanh vùng, truy vết dịch bệnh, tiêm ngừa là nhiệm vụ trọng tâm giúp phòng bệnh, góp phần cho nền kinh tế mở cửa trở lại.
Theo bác sĩ Bảo, bên cạnh thúc đẩy tiêm ngừa Covid-19, tiêm ngừa cúm cho các đối tượng người cao tuổi, người mắc bệnh tim mạch hoặc hô hấp mạn tính, trẻ em và phụ nữ có thai giúp giảm 78% tỷ lệ cơn hen cấp phải cấp cứu hoặc nhập viện, giảm 41% nguy cơ tử vong trên bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giảm 55% tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mạch vành. Tiêm vaccine cũng giảm 74% nguy cơ mắc cúm nặng đe dọa tính mạng ở trẻ em. Khoảng 72% ca nhập viện liên quan tới bệnh cúm ở phụ nữ có thai và 29% trường hợp mắc bệnh đường hô hấp ở trẻ sơ sinh có mẹ được tiêm phòng cúm trong thai kỳ cũng được ghi nhận.
Một số người cho rằng tiêm vaccine Covid-19 sẽ giúp phòng được cúm và ngược lại. Tuy nhiên, trên thực tế, vaccine Covid-19 và vaccine cúm là hai vấn đề khác nhau. Người đã tiêm Covid-19 có thể tiếp tục tiêm vaccine cúm để phòng và giảm gánh nặng về kinh tế.
Theo bác sĩ Bảo, một người có thể đồng nhiễm virus cúm và virus gây Covid-19. Tồn tại song song hai virus này làm tăng gánh nặng cho nền y tế lên rất nhiều lần. Trong đại dịch Covid-19, không kiểm soát tốt cúm sẽ làm số lượng các ca mắc Covid-19 và ca có triệu chứng giống Covid-19 tăng lên. Hệ thống y tế có thể bị quá tải vì nhu cầu chẩn đoán, cách ly và điều trị người mắc hay có triệu chứng giống Covid-19. Tiêm ngừa cúm cho cộng đồng sẽ giảm nhẹ gánh nặng bệnh tật do virus cúm và qua đó gián tiếp làm giảm nhẹ gánh nặng bệnh tật do Covid-19. Hiện nay, vaccine phòng 4 chủng virus cúm mùa (còn gọi là vaccine tứ giá) là loại vaccine mới, được nhiều người quan tâm.
Ngọc An
Tiêm phòng cúm trong giai đoạn hiện tại rất quan trọng. Người lớn, trẻ em có thể đến các trung tâm tiêm ngừa cúm, trung tâm y tế dự phòng, các phòng tiêm chủng tại bệnh viện... để chủng ngừa hàng năm nhằm bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Độc giả cũng có thể đón xem chương trình tư vấn sức khỏe với chủ đề "Tiêm phòng cúm để bảo vệ bạn và gia đình trong bối cảnh Covid-19" vào lúc 20h thứ Sáu ngày 12/11 trên các kênh Alobacsi, VNExpress, VTV24, SCTV Online.
Chương trình có sự tham gia của PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP HCM; PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa, Trưởng khoa Xét nghiệm Sinh học lâm sàng, Viện Pauster TP HCM; BS. Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TP HCM. Độc giả có thể gửi câu hỏi liên quan chủ đề này tại đây.