Hai bệnh nhân đầu tiên không rõ danh tính, được đưa đến Trung tâm Y tế Migwa, trong tình trạng đau bụng, đột ngột nhức đầu, nôn mửa và chóng mặt, hôm 23/3. Người thứ ba là một sinh viên 18 tuổi, có triệu chứng tương tự kèm theo chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu chảy.
Theo các nhân viên y tế, ba bệnh nhân tử vong nhanh chóng, trong vòng 24 giờ kể từ khi khởi phát, "như thể đang chờ chết". Tất cả họ đều sống chung trong một khu vực.
Ban đầu trung tâm y tế nghi ngờ các bệnh nhân nhiễm virus Ebola hoặc Marburg đang bùng phát mạnh ở nước láng giềng Tanzania. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của họ âm tính với cả hai loại virus.
"Bộ Y tế Nhân Sinh rất ngạc nhiên khi đây không phải trường hợp nhiễm Ebola hoặc Marburg. Chúng tôi đang tiếp tục điều tra để xác định rõ nguyên nhân cái chết", đại diện Bộ cho biết.
Tin tức về căn bệnh không rõ nguồn gốc đã làm dấy lên nỗi sợ hãi do người dân địa phương không biết cách tự bảo vệ bản thân ngoài các phương pháp vệ sinh cơ bản. Theo một thành viên chính phủ, đến nay, Burundi chưa có chiến lược phòng ngừa đối với căn bệnh bí ẩn này.
Giới chức khuyến nghị người dân rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, tránh tiếp xúc với người khác mà không có phương pháp bảo hộ, không chạm vào chất dịch thể không rõ nguồn gốc, tránh ăn thịt động vật hoang dã và chạm vào xác chết chưa rõ nguyên nhân.
"Chúng tôi yêu cầu người dân giữ an toàn, thận trọng thông báo cho cơ quan chức năng khi thấy bất cứ ai có các triệu chứng tương tự", Bộ Y tế cho biết.
Gần đây, châu Phi liên tục ghi nhận các mầm bệnh bí ẩn, đe dọa đến tính mạng con người. Trong đó, virus Marburg đã lan truyền ở ba khu vực khác nhau trong phạm vi hơn 160 km, khiến hàng chục người tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia có dịch bùng phát đang tiến hành mọi biện pháp ngăn chặn virus lây lan.
Các chuyên gia nhận định môi trường sống của động vật bị phá hủy, đô thị hóa, hoạt động giám sát mầm bệnh phát triển là nguyên nhân nhiều loại virus mới xuất hiện thời hậu đại dịch.
Theo tiến sĩ Lindsay Broadbent, giảng viên khoa Virus học, Đại học Surrey, Australia, ước tính có khoảng 1,67 triệu loại virus chưa được xác định đang lây nhiễm cho chim và động vật có vú. Trong số này, có tới 827.000 loài có khả năng lây nhiễm sang người.
Thục Linh (Theo News Australia)