Có thể không được đánh giá cao ở phương diện cá tính thể thao như cách Honda City sở hữu, nhiều trang bị option như Hyundai Accent, nhưng Toyota Vios vẫn là cái tên bán chạy nhất phân khúc. Ở nhóm sedan hạng B chiếm dung lượng tiêu thụ lớn nhất thị trường, thành trì mang tên Vios trong 10 năm qua chưa một lần bị xô đổ.
Khi những Innova, Fortuner, Corolla suy yếu, Vios trở thành chốt chặng cuối cùng của liên doanh Nhật trước sức ép ngày càng lớn từ các đối thủ. Thực tế Camry vẫn thống trị phân khúc sedan hạng D nhưng đóng góp thị phần không lớn, chiếm chưa đến 7% (số liệu 2019) doanh số chung của hãng. Trong khi đó, con số của Vios là 34%, Innova 15% và Fortuner 15%.
Accent xuất hiện từ tháng 4/2018, doanh số trong 8 tháng sau đó đưa mẫu xe thương hiệu Hàn cán mốc 14.651 xe, khoảng phân nửa Vios. Đến 2019, một vài thời điểm Accent vượt lên đối thủ chiếm đỉnh bảng phân khúc nhưng kết thúc năm, Vios bán hơn 27.000 xe, tiếp tục tái lập thế áp đảo gấp đôi sản phẩm của TC Motor.
Trước sản phẩm của Hyundai, Honda City là mẫu xe bán chạy thứ hai với doanh số lập đỉnh vào 2018 là 10.851 xe nhưng sau đó dần suy yếu, nhường chỗ cho sự vươn lên của CR-V khi xu hướng gầm cao ngày càng được ưa chuộng. Accent xuất hiện, dễ dàng vượt mốc 10.000 xe trong năm đầu mở bán, tăng dần doanh số sau đó và được gán cho vai "kẻ thách thức" Vios.
Thiết kế trẻ trung hơn, nhiều option, Accent tiếp cận nhóm khách hàng cần một lựa chọn mới sau nhiều năm quẩn quanh với Vios. Từ sau 2018, mẫu xe Hyundai lắp ráp tại nhà máy ở Ninh Bình nổi lên như một mối đe dọa nhưng chưa đủ lực để tạo nên một cuộc lật đổ.
Ở nhóm dưới của phân khúc gồm những Mitsubishi Attrage, Nissan Sunny, Suzuki Ciaz, Mazda2, Kia Soluto, không một mẫu xe nào vượt được City, chứ chưa kể đến Accent và Vios. 2018, 2019, lượng bán hàng trung bình mỗi tháng của Vios gần tương đương doanh số cả năm của những mẫu xe này.
Đặc thù là mẫu xe thuộc hàng dễ tiếp cận nhất của Toyota trước khi hatchback đô thị cỡ A, Wigo nhập khẩu về Việt Nam từ nửa cuối 2018, Vios có nhiều năm tham chiến, tạo lập một thói quen mua sắm cho những khách hàng mua xe lần đầu. Hệ thống đại lý rộng khắp, phụ tùng sẵn có, lắp ráp trong nước với nguồn cung chủ động, thương hiệu mạnh, mẫu sedan hạng B của Toyota hội tụ những điều kiện cần để gần như là lựa chọn "an toàn, đáng tin cậy" nhất với nhóm khách không mạnh về tài chính. Họ cần một mẫu xe thực dụng với trang bị vừa đủ, ít hỏng hóc và quan trọng hơn, giữ giá khi bán lại để đổi xe, tiến lên phân khúc cao hơn.
Vios tạo nên những cuộc tranh cãi bất tận trên các diễn đàn, hội nhóm chơi xe. Người thích, kẻ không, Vios thậm chí nhận nhiều ý kiển mỉa mai về một mẫu xe không phải tốt nhất nhưng bán chạy nhất. Thực tế, Vios đại diện cho một kiểu mệnh đề: xe tốt nhất không đồng nghĩa bán chạy nhất, nhưng xe bán chạy nhất là chiếc xe phù hợp nhất với số đông.
Mẫu xe của Toyota không được đánh giá cao về thiết kế, thậm chí là chậm thay đổi. Tạo hình đầu xe đến phom dáng tổng thể ít biến chuyển, ít tạo được cảm xúc sau nhiều năm. Nếu để chọn ra mẫu xe thiết kế "bảo thủ - bền dáng" nhất của liên doanh Nhật, Vios gần như là ứng viên số một.
Với vị thế của một ông lớn trên thị trường, Toyota xác định giá trị cốt lõi cho Vios và tạo cho sản phẩm này một đính hướng rõ ràng: thực dụng cho khách phổ thông. Khởi động bằng nút bấm, trang bị có ở các bản thấp nhất của Accent, Vios bản rẻ nhất không có. Cửa sổ trời có ở bản cao của Accent, Vios bản tương đương cũng không. Đèn pha LED có trên City từ lâu, Vios vẫn chưa. Mẫu xe của Toyota chấp nhận những điểm yếu đó, tập trung vào tính thực dụng, bền bỉ, tránh những hỏng hóc không đáng có.
Định hướng ấy của Toyota giúp Vios giữ được sức hút ổn định sau nhiều năm bất chấp những biến động, cả về thị hiếu lẫn thị trường dần trở nên chật chội hơn. Vios mới ra mắt đầu tháng 1/2020. Hãng không tăng giá dù thêm hàng loạt trang bị, thậm chí bản thấp nhất giảm 20 triệu đồng, điều không thường thấy ở Toyota khi trình làng sản phẩm nâng cấp. Động cơ, phom dáng vẫn vậy, Vios 2020 vẫn là một món ăn cũ nhưng thêm gia vị mới.
Kết nối Apple CarPlay/Android Auto, tính năng cần thiết ở thời đại công nghệ 4.0 nay đã có trên cả ba phiên bản Vios. Bản cao nhất G CVT có thêm kiểm soát hành trình như Accent, City. Bản thấp nhất có thêm camera lùi, gương hậu gập điện, đầu DVD, phanh bánh sau từ tang trống lên dạng đĩa. Mẫu sedan của Toyota ít nhiều thay đổi, "trẻ" hơn so với chính mình.
Hyundai Accent bản nâng cấp đã về đại lý và nhận cọc, sẽ ra mắt trong vài ngày tới, Honda City thế hệ mới dự kiến ra mắt trong tháng 12. Yếu tố mới của hai mẫu xe này sẽ là những đợt sóng ngầm tác động lên Vios trong mùa bán hàng cuối năm. Với khoảng cách hơn 7.500 xe với đối thủ xếp sau, 2020 gần như là năm thứ 11 liên tiếp, ngôi vương bán hàng phân khúc thêm một lần gọi tên Toyota Vios.
Nhưng đó hẳn không phải một niềm vui trọn vẹn với Toyota Việt Nam. Sức sống của thương hiệu lớn lại đang phụ thuộc quá nhiều vào một mẫu xe cỡ nhỏ. Trong khi những mẫu xe ở phân khúc cao hơn, nơi khách hàng có nhiều nhu cầu hơn là phương tiện đi lại thông thường thì dần mất lợi thế. Liên doanh Nhật cảm nhận rõ sự bấp bênh khi những ông vua phân khúc như Innova, Fortuner (chiếm gần 1/3 thị phần doanh số bán hàng tổng) bị thay thế bằng Mitsubishi Xpander, Hyundai Santa Fe. Vios còn ở vị thế kẻ mạnh và Toyota tất nhiên không muốn mất đi thành trì cuối cùng quan trọng bậc nhất này.
Thành Nhạn