Bên cạnh trang bị máy xạ trị Truebeam của hãng Varian (Mỹ), Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park ứng dụng hệ thống Dolphin với phần mềm hỗ trợ Compass 4.0 giúp đánh giá chính xác trước khi phát tia, theo dõi liều xạ cùng lúc tia xạ chiếu vào khối u.
Trong quá trình điều trị, ekip bác sĩ xạ trị, kỹ sư vật lý y khoa, kỹ thuật viên sẽ sử dụng các công nghệ hình ảnh tích hợp trong máy xạ trị để đưa ra phương án chính xác với sai số cho phép dưới 1mm. Tất cả các chuyển động đặc thù cho từng khối u, bộ phận cụ thể của bệnh nhân đều được tính toán qua hệ thống quan sát chuyển động cơ thể OSMS tiên tiến, công nghệ mô phỏng 4 chiều (4D). Tia xạ đến khối u cũng được kiểm soát, giảm thiểu tác dụng phụ trên mô lành.
"Người bệnh tỉnh táo, ít đau trong quá trình xạ trị, bệnh viện kết hợp với chăm sóc sau phẫu thuật như điều trị tâm lý, dinh dưỡng... để người bệnh nâng cao thể trạng, sớm hồi phục", tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Sinh, Trưởng Đơn nguyên xạ trị, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park cho biết.
Ông cho biết thêm, xạ trị là một trong những phương pháp chủ lực điều trị ung thư, nhưng nhiều tác dụng phụ khiến người bệnh lo ngại, giảm chất lượng sống. Các công nghệ xạ trị kỹ thuật cao có thể giảm đau đớn cho người bệnh.
Khi điều trị ung thư bằng xạ trị thường, liều xạ truyền cho người bệnh tương đối nhỏ trong vài tuần. Mục tiêu là diệt tế bào u tối đa, giảm tổn hại tối thiểu tế bào lành. Do hạn chế về kỹ thuật nên xạ trị truyền thống vẫn ít nhiều làm chết mô lành quanh bướu, gây ra nhiều tác dụng phụ như: rụng tóc, mệt mỏi, kích ứng da (đỏ, khô, đau và ngứa da), mất cảm giác ngon miệng tạm thời, viêm thực quản...
Để giải quyết những hạn chế của xạ trị truyền thống, công nghệ xạ trị kỹ thuật cao ra đời, như cuộc cách mạng trong xạ trị ung thư.
Xạ trị kỹ thuật cao có nhiều hình thức: xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT) áp dụng cho ung thư vùng đầu, mặt, cổ, dạ dày thực quản, vùng chậu; xạ phẫu định vị thân (SBRT) cho ung thư phổi, gan; xạ trị theo hướng dẫn hình ảnh (IGRT), xạ trị đồng bộ hóa theo nhịp thở (4D-RT) điều trị ung thư vú, dạ dày, phổi, thực quản...
Đặc điểm chung của các phương pháp này là khả năng cấp liều phóng xạ cao hơn 5 đến 10 lần trong thời gian ngắn, tập trung vào khối u cần tiêu diệt. Từ đó, rút ngắn thời gian xạ trị, giảm tối đa tác dụng phụ.
Với ung thư gan, xạ trị bị hạn chế vì khó xác định chính xác chuyển động của khối u. Người bệnh sẽ xạ trị trên toàn bộ lá gan, có thể gây tổn thương bộ phận , ngay cả khi dùng liều tương đối thấp.
Xạ trị kỹ thuật cao định vị thân (SBRT) điều trị ung thư gan nhờ khả năng định vị chuẩn xác khối u gan bằng các thiết bị theo dõi chuyển động tinh vi bên ngoài da (OSMS), hệ thống theo dõi chuyển động bướu (RPM).
Kết quả xạ trị gan công nghệ cao cho thấy, tỷ lệ sống trên một năm sau xạ tăng lên 50 -100% và giảm kích thước khối u được từ 60 -100%. Với xạ thường, tỷ lệ sống sau một năm chỉ là 25-35%.
Chuyên gia thông tin thêm, xạ trị kỹ thuật cao không chỉ hiệu quả với ung thư gan, còn giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân ung thư khác. Chị Huỳnh Diệp (ở Hà Giang) ung thư vú giai đoạn 3b với 19/20 hạch di căn, đã 30 lần xạ trị. Chia sẻ sau khi xạ trị kỹ thuật cao VMAT tại Vinmec, chị cho biết: "Mũi xạ đầu tiên của tôi rất nhẹ nhàng. Trái với những gì tôi hình dung về bệnh nhân xạ trị là khuôn mặt cháy đen hoặc bỏng nặng sau xạ, tôi đã vượt qua nhiều mũi xạ không bỏng rát vì bôi thuốc chống bỏng, ăn uống đảm bảo".
Tuy xạ trị công nghệ cao có nhiều ưu điểm nhưng không nhiều bệnh viện ở Việt Nam áp dụng bởi chi phí cao, đi kèm với đội ngũ bác sĩ có khả năng làm chủ kỹ thuật.
Lê Nguyễn