Quyết định trên được UBND tỉnh Vĩnh Phúc áp dụng từ 0h ngày 27/5, với công dân từ vùng có dịch của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Nam, Hà Nội. Trường hợp thực sự cần thiết phải đến Vĩnh Phúc phải có phiếu xác nhận xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 3 ngày.
Người dân Vĩnh Phúc được yêu cầu hạn chế đến các vùng dịch của 6 tỉnh nêu trên và những nơi khác đang có dịch. Nếu đến những nơi này, khi quay về tỉnh công dân phải có xác nhận xét nghiệm âm tính; cách ly y tế.
Đồng thời, Vĩnh Phúc dừng việc di chuyển ra, vào của công nhân ở 6 tỉnh nêu trên. Công nhân Vĩnh Phúc nếu làm việc ở các địa phương này cũng ngừng di chuyển về quê, ở lại nơi làm việc "cho đến khi tình hình dịch bệnh ở các địa phương nêu trên được kiểm soát".
![Chốt kiểm soát dịch bệnh tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/05/26/anhchot9521p-4484-1622040737.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xZwKNgoKdMIZo0-PuoumEQ)
Chốt kiểm soát dịch bệnh tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: CTV
Công nhân các địa phương giáp ranh Vĩnh Phúc nhưng chưa có dịch bệnh, được phép ra vào tỉnh, nhưng phải thực hiện các yêu cầu an toàn.
Chuyên gia, quản lý người nước ngoài đang ở địa phương khác được khuyến khích "làm việc và nghỉ lại tại Vĩnh Phúc cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát".
Nếu các chuyên gia, cán bộ quản lý không thể ở lại, hằng ngày phải ra vào tỉnh thì làm cam kết đảm bảo an toàn; xét nghiệm 3 ngày một lần. Những người có tần suất ra vào tỉnh ít hơn thì buộc có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19.
Lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu cũng phải có phiếu xác nhận âm tính Covid-19.
Những quy định này được Vĩnh Phúc đưa ra dựa trên cơ sở nhận định những ngày qua, tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh lân cận diễn biến khó lường, mỗi ngày có hàng trăm ca nhiễm mới. Chính quyền đánh giá dịch bệnh không chỉ riêng ở Bắc Ninh, Bắc Giang mà có xu hướng lan nhanh ra nhiều tỉnh, thành khác như Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam. Đặc biệt dịch tại một số khu công nghiệp tốc độ lây lan nhanh. Trong khi đó, Vĩnh Phúc có hơn 100.000 công nhân tại các khu côgn nghiệp, "nếu để xảy ra ca nhiễm Covid-19 thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng, không chỉ về sức khỏe, tính mạng con người mà thiệt hại kinh tế vô cùng lớn".
Đến hết ngày 26/5, Vĩnh Phúc ghi nhận 89 ca nhiễm Covid-19; hơn 63.000 người được theo dõi, giám sát y tế.