Thời điểm đó Cuba vừa bị chính quyền của Tổng thống George W.Bush đưa vào “trục ma quỷ” cùng với Iraq và Bắc Triều Tiên. Quốc đảo Caribe bị kết tội tài trợ cho khủng bố. Chính phủ Mỹ vừa trình thượng viện thông qua ngân sách 59 triệu USD để lật đổ chế độ Cuba.
Đứng trên sân khấu ngày hôm ấy, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã 78 tuổi. Vẫn bộ quân phục màu xanh ôliu quen thuộc và trong cái nắng nhiệt đới chói chang, ông giận dữ lên án những âm mưu của chính quyền Mỹ. Ông khẳng định dân tộc Cuba sẽ chiến đấu đến người cuối cùng để bảo vệ những thành quả của cách mạng. Một cảm giác lạnh chạy dọc sống lưng tôi khi khép lại bài phát biểu, Fidel đã dùng chính câu chào của các võ sĩ giác đấu trong đấu trường La Mã để gửi thông điệp tới Washington. Ông nói: “Vạn tuế Caesar! Những kẻ sẽ chết xin chào ngài”.
Đó là câu nói mà tôi hay dùng để tả cho bạn bè về cái cách mà Fidel Castro hiện lên với người dân Cuba. Một người luôn sẵn sàng chết cho mục tiêu đề ra. Lịch sử ghi tên ông như một nhân vật đã trải qua hơn 600 âm mưu ám sát bất thành của CIA. Lịch sử cũng biết đến ông như người đã cho phép Liên Xô đưa vũ khí hạt nhân vào Cuba để phe xã hội chủ nghĩa có được “một con dao găm” kề bên cuống họng của đế quốc trong thời chiến tranh lạnh.
Trong những năm ở Cuba tôi từng gặp nhiều người đồng chí của Fidel. Họ đều giống ông ở sự kiên định nhuốm màu lý tưởng và niềm tin vào công bằng xã hội. Giống như Fidel, những người đồng chí của ông lập luận: người dân Cuba có thể không giàu về của cải, đời sống có thể còn nhiều khó khăn nhưng không ai được phép tước đi của con người quyền được học hành miễn phí, được chăm sóc sức khỏe miễn phí, được hoạt động thể thao và nghệ thuật. Đó cũng là những điều mà nhà cách mạng Fidel Castro đã nói khi đứng trước tòa án năm 1953, sau cuộc đảo chính bất thành.
Với niềm tin ấy, sau 50 năm lãnh đạo đất nước, Fidel đã tạo ra những kết quả mà mỗi người đều có thể có một cách đánh giá của riêng mình.
Bạn bè tôi, những sinh viên Cuba ngày ấy, hay phải nhịn đói để lên giảng đường. Chẳng ai muốn phải nhịn đói. Nhưng nếu hỏi họ rằng một nước Cuba không có Fidel sẽ ra sao, thì họ vẫn trả lời rằng, rất có thể họ sẽ phải sống ở một chế độ mà vừa phải nhịn đói, vừa không được đi học.
Bạn bè tôi thuộc về một thế hệ mà tỷ lệ có bằng đại học cao nhất trên thế giới, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh gần như thấp nhất. Họ được hưởng những điều mà nhiều quốc gia trên thế giới mơ ước, đặc biệt là những thành tựu y tế vượt bậc. Nhưng rất nhiều điều bình dị, như Internet, điện thoại di động hay là một chiếc xe máy, đến bây giờ vẫn là ước mơ của 90% người dân Cuba.
Bạn tôi, có giáo dục và y tế miễn phí, nhưng phải mất 10 năm để xây xong căn nhà của mình. Cứ gom từng bao xi măng, từng viên gạch, từng xẻng cát, lúc nào có vật liệu là lại xây. Họ xây mà không bao giờ biết được rằng mình có thể hoàn thành căn nhà ấy hay không.
Tất cả những điều đó, đều đã đến từ niềm tin của Fidel. Một niềm tin không thể đánh đổi. Cho dù bối cảnh thế giới đã biến đổi thế nào trong 50 năm kể từ sau cuộc cách mạng, thì Fidel vẫn đứng đó, dưới ánh mặt trời Caribe và tuyên bố chết cho những điều mình đặt ra.
Fidel vừa trở về với đất. Sự ra đi của ông đã tạo ra trên thế giới này cả những kẻ vui mừng và rất nhiều người đau xót. Nhưng người ta hiểu, không còn Fidel, đất nước Cuba cũng sẽ không còn là Cuba của ngày trước nữa.
Trong suốt những năm sống ở quốc đảo ấy, tôi đã hỏi ý kiến của rất nhiều người về Fidel. Có những người thích và không thích ông. Cũng như bây giờ, trên thế giới, người ta nói về ông theo nhiều cách khác nhau, tiêu cực và tích cực. Fidel Castro đã để lại một di sản lớn và phức tạp, đã xuất hiện trong những hình ảnh đẹp đẽ, lãng mạn và cả sự quyết liệt khiến người ngoài không thể hiểu nổi.
Vĩnh biệt Fidel. Mỗi người trên thế giới này, sẽ nhớ về ông theo cách riêng của mình. Với tôi, đó là sự lựa chọn của trái tim.
Lê Anh Ngọc