Sau quá trình đánh giá nghiêm ngặt, thông qua Công ty đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco, Vingroup đã chọn 500 hộ sản xuất phù hợp, đến từ các vùng nguyên liệu nổi tiếng như Lâm Đồng, miền Tây và một số tỉnh ở miền Bắc (Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương…) để cung ứng nông sản sạch theo tiêu chí mà doanh nghiệp đưa ra.
Ngoài hỗ trợ tài chính, VinEco còn tổ chức các chương trình đào tạo và hướng dẫn hộ sản xuất về quy trình sản xuất rau an toàn; hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống; kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch; thu mua tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn và hỗ trợ thủ tục chứng nhận VietGap...
Các địa phương được hỗ trợ chuyên môn gồm nhiều huyện tại Sơn La (huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Yên Châu, Phù Yên, Sông Mã); tỉnh Lâm Đồng (Đức Trọng, Đà Lạt, Đơn Dương) và các tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang).
Các hộ sản xuất này cũng được công ty kết nối và hướng dẫn cách làm thủ tục đăng ký VietGap, phổ biến về xu thế tiêu dùng sản phẩm sạch; đào tạo và triển khai việc dán mã QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua điện thoại smartphone.
Thời gian qua, đã có 300 hộ sản xuất rau, nấm, gạo, trái cây cung cấp được sản phẩm liên kết ra thị trường thông qua hệ thống tiêu thụ của Vinmart, Vinmart+; Adayroi.com của Vingroup. Với quy trình kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị, chương trình đã cắt giảm tối đa các khâu trung gian để tập trung nâng cao chất lượng nông sản.
Ông Nguyễn Hữu Minh (Tổ hợp tác ổi Minh Thọ - xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ, VinEco thu mua sản lượng với giá cả ổn định. Tin tưởng, ông giới thiệu chương trình đồng hành của VinEco tới các hộ trồng xoài Cát Chu, xoài Cát Hòa Lộc và xoài Cát Bồ (tổ hợp tác Thiên Phú). Các sản phẩm này đạt tiêu chuẩn của VinEco và sẽ được đưa ra thị trường vào tháng 5 tới.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó tổng giám đốc VinEco cho biết, mục tiêu lớn nhất của chương trình là cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đông thời hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm thay đổi và tối ưu hóa sản xuất, tiến tới xây dựng được các thương hiệu nông sản Việt có tầm quốc tế.
Thời gian tới, VinEco sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị để ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR, đảm bảo minh bạch hóa thông tin về địa điểm sản xuất, thời điểm thu hoạch. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu thông tin nông sản trong chương trình bằng smartphone khi có nhu cầu.
Đầu tháng 9 năm ngoái, Tập đoàn Vingroup khởi động chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” thông qua việc liên kết với 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân để cung ứng nông sản sạch và an toàn cho thị trường với tổng chi phí 300 tỷ đồng.
Trong đó, doanh nghiệp sử dụng 50 tỷ đồng để xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nông sản bao gồm chi phí đầu tư hệ thống trang thiết bị, công cụ kiểm soát và đội ngũ kiểm soát chất lượng quy mô 300 người.
Vingroup trực tiếp đào tạo và hướng dẫn các hộ nông dân có nhu cầu về quy trình sản xuất sạch; hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống; kiểm soát chất lượng; thu mua sản phẩm và hỗ trợ phát triển thương hiệu.
Thanh Thư