Thứ tư, 23/8/2023, 08:42 (GMT+7)

20h15 ngày 15/8, bà Lê Thị Thu Thủy - Tổng giám đốc toàn cầu VinFast rung chuông niêm yết mã cổ phiếu VFS trên sàn chứng khoán Nasdaq ngay tại trung tâm New York, Mỹ. Hàng chục nghìn nhân viên VinFast theo dõi buổi lễ qua màn hình từ Việt Nam, Bắc Mỹ. Nhiều điểm cầu nhưng chung một cảm xúc vỡ òa.

Cổ phiếu VFS mở cửa phiên giao dịch đầu tiên trên Nasdaq với giá 22 USD. Với khoảng 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính quy mô vốn hóa khi chào sàn xấp xỉ 50 tỷ USD. VinFast đã trở thành thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ tính đến ngày 15/8. Chốt phiên giao dịch đầu tiên trên Nasdaq, cổ phiếu VinFast ở mức hơn 37 USD, tương ứng vốn hóa hơn 85 tỷ USD. Lúc đó, hãng ôtô điện của người Việt có quy mô vốn hóa lớn thứ ba thế giới, chỉ sau "người khổng lồ" Tesla (gần 740 tỷ USD) và thua vị trí thứ hai - BYD (87 tỷ USD) vỏn vẹn 2 tỷ USD.

Con số này được nữ lãnh đạo VinFast gọi là lịch sử.

Sau phiên giao dịch đầu tiên, trong buổi trò chuyện cùng VnExpress, bà Thủy gói hành trình sáu năm phát triển VinFast bằng câu nói: "Công ty đặt cho mình sứ mệnh thay đổi cuộc cách mạng xanh trên thế giới, mục tiêu sản xuất một chiếc xe điện mà ai cũng có thể mua được".

Tại thời điểm năm 2017, khi vừa bắt đầu xây nhà máy, ôtô điện đã có trong mục tiêu của VinFast. Tuy nhiên, để làm quen và chứng minh năng lực sản xuất với thị trường, VinFast ban đầu lựa chọn làm ôtô xăng. Khi phần nào đã có được niềm tin của thị trường, đồng thời đã quen với chuỗi cung ứng trong ngành, hiểu và làm chủ chuỗi sản xuất, công ty mới chuyển sang thuần điện.

"Chúng tôi hiện là hãng xe đầu tiên trên thế giới tuyên bố không làm xe xăng nữa mà chuyển sang thuần điện", bà Thủy nói. Cũng theo nữ CEO, các công ty khác mất lộ trình vài năm đến cả thập kỷ để chuyển đổi. Còn tại VinFast, dù đi từ số không, đơn vị vẫn luôn bám theo mục tiêu thúc đẩy cuộc cách mạng di chuyển xanh trên thế giới, hướng tới phát triển bền vững.

Theo đó, ôtô điện VinFast không có khí thải từ ống xả, hạn chế ô nhiễm không khí và giảm các yếu tố ô nhiễm tiếng ồn. Ôtô không sử dụng dầu động cơ, sản xuất bằng vật liệu thân thiện môi trường. Bộ sạc cung cấp bởi các nguồn năng lượng tái tạo ít tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên hơn so với trạm xăng truyền thống.

Ngoài sản xuất, yếu tố môi trường và phát triển bền vững được VinFast thực hiện bằng nhiều giải pháp, từ hệ thống quản lý giảm tác động đến môi trường, khuyến khích nhà cung cấp công bố thông tin phát thải, ra mắt dải sản phẩm không phát thải CO2, thân thiện môi trường... "Chúng tôi kỳ vọng đạt mục tiêu Net Zero (phát thải Carbon bằng 0) vào năm 2040, đi trước cam kết của Việt Nam khoảng 10 năm", ông Bùi Xuân Bình, quyền Phó tổng giám đốc hậu mãi VinFast toàn cầu nói trong buổi tọa đàm ngày 7/7 tại Hà Nội.

Nhà máy VinFast tại Hải Phòng có tỷ lệ tự động hóa lên tới 90% và công suất sản xuất hàng năm lên đến 300.000 xe trong giai đoạn một.

3.000 là con số phụ tùng, linh kiện có trong mỗi chiếc ôtô. Trong số hàng nghìn phụ tùng, linh kiện đó, mỗi loại cần công nghệ sản xuất khác nhau, từ ép nhựa đơn giản đến những công nghệ cao, phức tạp.

Chưa đầy một năm, khu đất 335 ha đã hoàn thiện cổng chào, nhà điều hành như một hội trường opera và xưởng xe máy, ôtô, đường thử. Hãng xe của Vingroup vừa xây nhà máy, vừa phát triển ôtô, để tận dụng triệt để thời gian.

Nhiều kỷ lục liên tiếp lập nên. Nhà máy hoàn thiện trong 21 tháng (thông thường mất từ 3-6 năm). 11 tháng từ khi khởi công, hãng đã cho ra sản phẩm đầu tiên. Chưa đầy hai năm kể từ ngày khởi công, VinFast tung ra thị trường mẫu thương mại.

Trước khi lăn bánh trên phố phường, ôtô trải qua sáu công đoạn tại các xưởng: dập, hàn thân vỏ, sơn, động cơ, phụ trợ và lắp ráp. VinFast cho biết hãng là nhà sản xuất ôtô đầu tiên tại Việt Nam sở hữu một chu trình khép kín, đồng bộ và hoàn chỉnh.

Tháng 12/2021, VinFast ra mắt VF e34, mẫu thuần điện lắp ráp trong nước đầu tiên được mở bán. Đến ngày 15/7/2022, VinFast dừng bán dòng chạy xăng, toàn lực chuyển sang ôtô điện.

VF e34 - mẫu xe thuần điện sản xuất trong nước đầu tiên.

Nhìn về hành trình sáu năm qua, lãnh đạo đơn vị nói đi tắt đón đầu là cách VinFast rút ngắn thời gian về đích trong cuộc đua sản xuất ôtô. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói trong buổi trò chuyện cùng VnExpress năm 2022: "Nếu tìm được giải pháp tốt hơn thì dứt khoát sẽ làm, bất chấp tốn kém".

Người đứng đầu tập đoàn nêu ví dụ, khi phát triển ôtô điện mà thiếu linh kiện để nghiên cứu thử nghiệm, đơn vị sẵn sàng trả giá gấp 48 lần để có. Ông chấp nhận bù lỗ, dám làm vì tính được kết quả cuối cùng là mình có thị trường, có đẳng cấp. Và khi đã nêu vấn đề, chỉ trong 1-2 ngày đơn vị phải giải. Nếu khó quá thì treo, nhưng mấy ngày sau quay lại, chốt bằng được là xuôi hay ngược. Không quyết làm là "ngược luôn", tức là bỏ.

"Không làm thì thôi, làm sẽ đến nơi đến chốn, làm việc khó nhất", cũng là tinh thần mà bà Lê Thị Thu Thủy nhấn mạnh nhiều lần, với nhân viên lẫn báo giới. Bà nói, kể từ khi khai sinh đến nay đi qua muôn vào chảo lửa, công ty không bao giờ chọn cách đi lại con đường đã có, dù nó dễ và nhanh hơn.

"Có người đề xuất làm giống công ty khác, sản xuất cho người ta, nhưng Chủ tịch gạt phăng, quyết tâm xây thương hiệu riêng, phát triển ôtô từ đầu, một mình học đi rồi học chạy", bà nhấn mạnh.

Đề bài khó nên tìm lời giải phức tạp vô cùng. Bà nói, có những lúc tưởng chừng như không thể tìm được lối ra. Điều giúp hàng chục nghìn nhân viên vượt qua khó khăn là sự kiên định với mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp sản xuất ôtô của người Việt, đưa thương hiệu Việt ra thế giới.

Ngày 25/11/2022, VinFast xuất khẩu lô 999 ôtô điện VF 8 sang Mỹ, từ cảng MPC Port, quận Hải An, Hải Phòng. Dự buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá VinFast đi sau trong lĩnh vực sản xuất ôtô trên thế giới, nhưng có một lợi thế rất lớn là đã nhanh chóng tiếp cận ngay các công nghệ mới nhất, tự động hoá cao nhất, thông minh nhất, cách tiếp cận khách hàng khác biệt nhất cùng với việc tập hợp được nhiều nhân tài toàn cầu cho phát triển.

Đây là lần đầu tiên có một hãng xe tại Việt Nam xuất khẩu xe sang thị trường Mỹ. Lời phát biểu của ông Vượng từ năm 2016 cũng thành hiện thực, khi nói rằng: đi ra nước ngoài Vingroup không định hướng lợi nhuận, mà định hướng cắm cờ, đã cắm phải tìm chỗ oai nhất mà vẫn kinh doanh được.

999 ôtô điện VF 8 xuất khẩu sang Mỹ ngày 25/11/2022.

Đến ngày 16/4/2023, lô VF 8 thứ hai được VinFast xuất khẩu đến Bắc Mỹ. 1.098 chiếc bàn giao cho thị trường Mỹ vào tháng 5 và 781 chiếc đến Canada, sẽ bàn giao tới khách hàng sau khi hoàn tất mọi thủ tục cần thiết.

Ngược về thời điểm xuất Mỹ đầu tiên năm 2021, cùng với việc đưa ra sản phẩm tiến vào thị trường quốc tế, lãnh đạo Vingroup ấp ủ mục tiêu đưa VinFast niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Hành trình niêm yết gian truân không kém chặng đường kinh doanh. Nữ CEO cho biết hai năm trước, cơn sốt của những công ty khởi nghiệp xe điện đẩy lên cao trào, niêm yết bằng SPAC được tiến hành rầm rộ. Tuy vậy, công ty bỏ lỡ cơn sóng vì chưa đáp ứng một số tiêu chuẩn về báo cáo tài chính.

Đến tháng 5/2021, khi đáp ứng được những tiêu chuẩn này, thị trường lại đảo chiều đi xuống. Sự lao dốc của cổ phiếu nhiều SPAC sau khi sáp nhập khiến VinFast phải "tính lại". Bà Thủy cho biết, các lãnh đạo công ty muốn quay về với lựa chọn đầu tiên là niêm yết trực tiếp. Nhưng thị trường IPO đóng cửa, trầm lắng kể từ giai đoạn đại dịch khiến việc chào bán cổ phiếu lần đầu gặp khó khăn. Kế hoạch một lần nữa phải thay đổi.

Ngay lúc này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup Phạm Nhật Vượng và Vingroup "bơm" 2,5 tỷ USD cho VinFast. Khoản cam kết tài trợ và cho vay này giúp giảm áp lực huy động vốn từ IPO. Cởi bỏ áp lực, đơn vị trở lại với lựa chọn SPAC đến niêm yết trên thị trường Mỹ.

"Việc niêm yết giúp chúng tôi tiếp cận nguồn vốn dồi dào, tiếp tục phát triển khi ngành ôtô điện còn đang sơ khởi và liên tục phát triển. Đủ tiêu chuẩn niêm yết trên sàn chứng khoán khắt khe nhất thế giới, trở thành công ty toàn cầu, cũng là cách chúng tôi hiện thực hóa sứ mệnh tạo ra ngành công nghiệp di chuyển xanh", bà nói.

Nhân rộng hơn, với thị trường Việt Nam, việc VinFast niêm yết cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp khi huy động vốn ngoại, tiến lên nấc thang mới để minh bạch, chuyên nghiệp trong hoạt động quản trị và kinh doanh. "Chúng tôi hy vọng câu chuyện của VinFast sẽ truyền cảm hứng và mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam cùng tiến ra thế giới", bà Thủy nhấn mạnh.

Khai trương cửa hàng và giao xe đến người dùng tại Mỹ.

Về kế hoạch tương lai, CEO cho biết niêm yết là bước đầu tiên để tiếp cận thị trường vốn tại Mỹ. Sau thành công tại quê nhà và Mỹ, đơn vị nhắm đến một số điểm đến tiềm năng như: ASEAN, châu Âu và Trung Đông.

Nhà sản xuất EV Việt cũng sẽ chuyển sang mô hình "hybrid" trong bán hàng. Hình thức này có nghĩa hợp tác với các nhà phân phối và đại lý để bán hàng tại thị trường nước ngoài thay vì mở showroom riêng. Hợp lực với các đối tác khác để đi nhanh hơn luôn là DNA của công ty. Hiện VinFast đã mở 122 showroom trên toàn cầu, tính đến tháng 6, tập trung ở bờ Tây nước Mỹ.

Xa hơn, lãnh đạo VinFast nhắc lại về "giấc mơ di chuyển xanh". Bởi công việc mà đơn vị đang làm mang tính chất cống hiến, nếu chỉ vì cơm áo gạo tiền sẽ không làm việc khó như thế. Bà mô tả, bên ngoài chỉ thấy thành tích và con số nhưng khi thực chiến mới hiểu sự trầm bổng, khó khăn vất vả của mỗi người.

Nội dung: Minh Tú - Ảnh: VinFast - Thiết kế: Duc Tran