Ngày 22/7 tới, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ chào bán gần 122 triệu cổ phần lần ra công chúng (IPO), tương đương 24,4% vốn điều lệ. Với giá khởi điểm 11.000 đồng mỗi đơn vị, tại hội thảo về cơ hội đầu tư ngày 2/7, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sẽ duy trì tỷ lệ cổ tức 5% trong 2-3 năm sau IPO.
Trước thông tin này, nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi và băn khoăn liệu tập đoàn có thể nâng cổ tức cao hơn trong thời gian tới. Một nhà đầu tư có thâm niên gần chục năm trong lĩnh vực dệt may kỳ vọng tỷ lệ cổ tức Vinatex sau cổ phần hóa ít nhất phải 10% hoặc cao hơn lãi suất ngân hàng.
Trả lời về vấn đề trên, tân Chủ tịch Vinatex – ông Trần Quang Nghị cho biết đây là “kế hoạch phải thu xếp dài hơi, cổ tức cao chúng tôi chưa làm được”. Theo lãnh đạo này, mong muốn cổ tức đạt kỳ vọng phải có quá trình tái cấu trúc, sắp xếp lại doanh nghiệp.
“Chỉ số lợi nhuận là mục tiêu, nhưng từ ý chí đến hiện thực là cả một quá trình. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình. Nhưng nếu lực bất tòng tâm, đại hội hoàn toàn có quyền giới thiệu cho chúng tôi nhân sự khác tài năng hơn để có chỉ số cao hơn”, ông Nghị nhấn mạnh. Ngoài ra, lãnh đạo này cũng hứa hẹn phải ba năm nữa mới niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
Đến cuối năm 2013, Vinatex có tổng cộng 83 đơn vị, trong đó gồm 18 công ty con cấp I, 28 doanh nghiệp con cấp II, 34 đơn vị liên kết và 3 công ty hạch toán phụ thuộc. Doanh thu năm ngoái của công ty mẹ Vinatex là 116 tỷ đồng, chỉ bao gồm các đơn vị hạch toán phụ thuộc. Nguồn thu lớn nhất tại tập đoàn hiện đến từ hoạt động tài chính như cổ tức được chia từ các công ty thành viên và lãi tiền gửi.
Dòng cổ tức từ những công ty con, liên kết chiếm khoảng 61% tổng lợi nhuận sau thuế các đơn vị này trong năm 2013. Mức chi trả cổ tức tại nhiều doanh nghiệp trong nhóm dệt, may đạt 12-110%. Một số đơn vị đóng góp lớn nhất về cổ tức cho Vinatex có Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến với tỷ lệ 50% (67 tỷ đồng), Tổng công ty Việt Thắng là 30% (29,6 tỷ đồng) hay Tổng công ty cổ phần Phong Phú đạt 15% (48,1 tỷ đồng).
Bên cạnh những doanh nghiệp hoạt động ổn định, tỷ lệ cổ tức cao, lãnh đạo Vinatex cho biết tập đoàn vẫn còn tồn tại các đơn vị chưa hiệu quả như Dệt may Nam Định, Dệt 8-3. Thậm chí cả hệ thống siêu thị trước đây làm ăn tốt nhưng nay cũng gặp cạnh tranh lớn. Theo đó, những đơn vị này vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc quản trị và đưa về mặt bằng chung, lãnh đạo Vinatex cho hay. Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết thêm vừa trúng gói hỗ trợ 100 triệu USD của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với lãi suất thấp 1,5%, thời hạn 25 năm để tái cơ cấu doanh nghiệp.
Tường Vi