Ông Vũ Anh Tuấn cho biết SBIC đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đối tác và tổng công ty đang hoàn thiện các thủ tục để ký hợp đồng bán tàu cho đối tác tại Triển lãm Công nghệ đóng tàu, diễn ra tại Hà Nội cuối tháng này. Những con tàu dang dở đóng theo những hợp đồng của Vinashin sẽ được ưu tiên.
- Lần thứ 7 tổ chức triển lãm về công nghệ đóng tàu SBIC kỳ vọng gì ở sự kiện này?
- Có hai nhóm sản phẩm mà thông qua triển lãm, SBIC sẽ giới thiệu cho đối tác và mong muốn ký được hợp đồng. Một là nhóm tương tai, gồm những sản phẩm có tính năng kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng các quy chuẩn phân cấp tàu biển theo các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đây là những sản phẩm công nghệ cao mà SBIC có ưu thế. Còn lại là một số sản phẩm dở dang tại các nhà máy đóng tàu. Với nhóm hàng tồn này, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được quan tâm từ các chủ tàu, có giải pháp hoàn thiện để đưa vào khai thác. Điều này sẽ giúp họ phát triển đội tàu ,còn SBIC sẽ giải quyết hàng ứ đọng.
- Ông đánh giá như thế nào về khả năng bán và thu lợi nhuận từ số hàng tồn này?
- Có nhiều đối tác quan tâm và một số chủ tàu đã đeo đuổi. Chúng tôi đã thương thảo trong thời gian dài. Vấn đề là làm sao để tìm điểm chung có lợi cho cả hai bên.
Mục tiêu của chúng tôi tại triển lãm này không chỉ vì lợi nhuận mà quan trọng hơn là tạo cơ hội quảng bá, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp để tạo dựng một thị trường hàng hải phát triển hơn. Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng sẽ giải phóng được hết hợp đồng tồn trong hai năm sắp tới.
- Được biết trước đây Vinashin đã cùng với Bộ Quốc phòng có hợp đồng đóng tàu cho lực lượng Kiểm ngư. Việc này đã được thực hiện đến đâu?
- Trên thế giới, ngành đóng tàu luôn coi Bộ Quốc phòng các nước luôn là một đối tác lớn. Chúng tôi cũng luôn tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên điều này có sự quản lý về mặt thông tin nên chúng tôi sẽ xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền mới trả lời được.
- Vậy chương trình đóng tàu cá vỏ sắt cho ngư dân đến nay thế nào?
- Đây cũng là một chương trình lớn, được các cơ quan chức năng hết sức quan tâm và đã triển khai trong hơn một năm qua. Chúng tôi là một bên tham gia tích cực từ khâu phối hợp xây dựng mẫu tàu cho phù hợp với từng ngư trường; cùng tham gia góp ý xây dựng chính sách cùng các bộ liên quan. Đến nay đã có hành lang cơ bản để chúng tôi có thể tiếp cận ngư dân để hợp đồng đóng tàu vỏ thép. Ngoài ra một số tàu thí điểm do chúng tôi tự bỏ vốn ra đóng đã được bàn giao cho ngư dân thí điểm. Kết quả thí điểm thế nào thì hiện đang chờ tổng kết.
Tại triển lãm Công nghệ đóng tàu (Vietship) năm 2012, SBIC - khi đó còn là Vinashin - đã ký với các đối tác hợp đồng có tổng doanh số 100 triệu USD và đến hết năm 2013 đã bàn giao được 75%. 25% còn lại sẽ được SBIC tiếp tục bàn giao nốt trong năm 2014. Triển lãm lần thứ 7 dự kiến sẽ có 115 công ty trong ngành hàng hải tham gia, với 200 gian hàng. Trong đó có 51 doanh nghiệp nước ngoài (45%) như của Hà Lan, Đức, Áo, Pháp, Ba Lan, Nauy, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore. Riêng các doanh nghiệp đến từ Hà Lan, Nga, Trung Quốc sẽ đăng ký tham gia gian hàng chung theo quốc gia. Còn lại có 64 doanh nghiệp trong nước (55%). |
Chí Hiếu