Chương trình "Thương hiệu quốc gia Việt Nam" được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2003, giao cho Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối triển khai, thực hiện. Nội dung chính của chương trình nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Chương trình còn tuyên truyền, quảng bá cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam ở trong và ngoài nước, lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt "Thương hiệu Quốc gia" để hỗ trợ phát triển theo các tiêu chí uy tín - chất lượng - đổi mới và sáng tạo - năng lực tiên phong. Việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt "Thương hiệu Quốc gia" được tiến hành hai năm một lần.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc điều hành sản xuất và phát triển sản phẩm mới Vinamilk - đại diện cho công ty nhận giải thưởng "Thương hiệu Quốc gia". |
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, Vinamilk vẫn tăng trưởng và phát triển vững mạnh, duy trì tốc độ tăng trưởng cao về doanh thu và đặc biệt là nộp ngân sách nhà nước. Công ty đã giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu. Năm 2012, Vinamilk đã đạt doanh thu hơn 27.300 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 180 triệu USD và nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 2.900 tỷ đồng.
2012 cũng là năm sản lượng tiêu thụ của Vinamilk đạt cao nhất từ trước tới nay, với trên 4 tỷ sản phẩm (trong điều kiện Vinamilk không tăng giá và tham gia bình ổn giá sữa cho người tiêu dùng cả nước).
Vinamilk hiện thu mua tới hơn 60% sản lượng sữa của nông dân, với lượng sữa tươi ngày càng tăng cao cả về chất lượng và số lượng. Năm 2012, Vinamilk thu mua của bà con nông dân và từ các trang trại của Vinamilk 161 triệu lít sữa tươi, tăng 17% so với năm 2011, trị giá 1.776 tỷ (tương đương 85 triệu USD) tăng 21% so với năm 2011. Để đảm bảo đầu ra cho nông dân, khuyến khích nông dân chăn nuôi bò sữa, Vinamilk đã liên kết với hơn 5.000 hộ nông dân.
Mặt khác, công ty còn đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân để có sản phẩm cao và tốt về chất lượng. Hiện, 61.000 con bò sữa của nông dân cung cấp cho Vinamilk 460 tấn sữa mỗi ngày. Đồng thời, Vinamilk còn cho đầu tư phát triển 5 trang trại với khoảng 8.000 con bò sữa (bò nhập từ nước ngoài, trong đó có 50% bò vắt sữa), cho 90 tấn một ngày.
Hiện nay, Vinamilk đã có một nhà máy sản xuất sữa ở New Zealand và 11 nhà máy sản xuất sữa hiện đại từ Bắc vào Nam và đã chạy hết 100% công suất. Chiến lược của Vinamilk trong thời gian tới phấn đấu trở thành một trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới với doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017 (Vinamilk hiện ở vị trí thứ 53). Để phục vụ cho chiến lược tăng tốc phát triển, Vinamilk sẽ khánh thành hai nhà máy chế biến sữa hiện đại vào đầu quý II năm nay, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 200 triệu USD).
Vinamilk có nhà máy lớn thứ nhất ở Bình Dương trong giai đoạn 1 cho 400 triệu lít sữa tươi một năm, công suất tương đương gần 9 nhà máy hiện nay của Vinamilk cộng lại; giai đoạn hai sẽ nâng công suất lên 800 triệu lít sữa tươi một năm. Nhà máy này hoàn toàn tự động hóa với vận hành của robot. Nhà máy thứ hai chuyên sản xuất sữa bột trẻ em Dielac 2 ở khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore, công suất 54.000 tấn một năm, gấp 4 lần công suất hiện có. Đây là hai công trình trọng điểm, hiện đại mà Vinamilk sẽ khánh thành nhân dịp chào mừng lễ kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4.
Mai Thương