Năm 2010, thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp tàu thủy (Vinashin), có 5 doanh nghiệp từ tập đoàn này được sáp nhập vào Vinalines. Các đơn vị này gồm Công ty vận tải viễn dương Vinashinlines, Công ty vận tải Viễn Đông, Công nghiệp tàu thủy Sông Hậu, Công nghiệp tàu thủy Cà Mau và Cảng Năm Căn. Việc tiếp nhận bao gồm cả các quyền lợi lẫn nghĩa vụ liên quan, trong đó có cả những khoản nợ mà sau này, Vinalines không ít lần xin được xóa hoặc khoanh lại.
Đến nay, ngoài Vinshinlines đang thực hiện phương án phá sản theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, số dư nợ tại 4 doanh nghiệp còn lại mà Vinalines muốn được tái cơ cấu còn khoảng 3.800 tỷ đồng. Tổng công ty này tính toán, riêng số nợ vay của các đơn vị tại ngân hàng quốc doanh khiến Vinalines phải trả lãi khoảng 150 tỷ đồng mỗi năm.
Theo Vinalines, số tiền lãi trên sẽ không phát sinh nếu các nhà băng thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu Vinashin từ năm 2011. Theo đó, cơ quan quản lý cho phép Ngân hàng phát triển Việt Nam và 4 ngân hàng thương mại Nhà nước giữ cổ phần chi phối khoanh nợ đối với các doanh nghiệp sáp nhập vào Vinalines.
Trong báo cáo mới đây, Vinalines tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép công ty mẹ, 4 doanh nghiệp này và các doanh nghiệp vận tải biển được khoanh nợ gốc và lãi trong 2 năm tại Ngân hàng phát triển Việt Nam cũng như 4 ngân hàng thương mại Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Để xử lý nợ, trước mắt Vinalines sẽ tiếp tục bán những tài sản không phù hợp như tàu già, cẩu trục... để trả.
Số liệu lỗ lãi hợp nhất năm 2013 hiện chưa được Vinalines công bố, song theo một lãnh đạo của tổng công ty, khối vận tải biển tiếp tục thua lỗ vì bán tàu, giá cước thấp trong khi chi phí đầu vào (nhiên liệu, lãi vay) đều ở mức cao.
Báo cáo của tổng công ty này cũng thừa nhận: “Tình hình tài chính tiếp tục gặp khó khăn mà tập trung chủ yếu ở khối vận tải biển và các doanh nghiệp được chuyển giao từ Vinashin”.
Trung Đức