Vừa qua, 4 doanh nghiệp Nhà nước bị loại khỏi chương trình hỗ trợ cải cách doanh nghiệp do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, tổng trị giá 630 triệu USD. Đặc biệt, trong nhóm này có 2 "ông lớn" là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Giám đốc ADB Việt Nam cho rằng Chính phủ cần chọn lọc hơn khi chọn doanh nghiệp tái cơ cấu. Ảnh: Phương Linh |
Trả lời câu hỏi của VnExpress.net về việc tại sao không chọn 2 doanh nghiệp có ý nghĩa chiến lược với ngành vận tải biển và khai thác mỏ của Việt Nam để hỗ trợ mà lại lựa chọn doanh nghiệp khác, ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của ADB tại Việt Nam cho biết, doanh nghiệp Nhà nước thường cung cấp dịch vụ phi thương mại như cảng biển, điện..., quan trọng với nền kinh tế nhưng tạo ra ít lợi nhuận và không được khu vực tư nhân quan tâm.
Ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc ADB Việt Nam cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp Nhà nước hiện đang có gánh nặng nợ cao nên tái cơ cấu doanh nghiệp này sẽ tốn kém và khó khăn. Do đó, việc chọn doanh nghiệp để tái cơ cấu sẽ phải kỹ càng hơn để tạo ra sự lan tỏa đến các thành phần khác.
Trước đó, trong Hội nghị đẩy mạnh công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải ngày 27/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá việc cụ thể hóa kế hoạch tái cơ cấu Vinalines chậm chạp do một số lãnh đạo chưa sát sao. Năm 2012, Vinalines lỗ 2.439 tỷ đồng và dự tính tiếp tục lỗ khoảng 2.100 tỷ đồng trong năm 2013.
Liên quan đến quy trình lựa chọn doanh nghiệp nhận hỗ trợ, chuyên gia của ADB khẳng định việc này được tuân theo những bước rất cụ thể. Đầu tiên, ADB sẽ đánh giá xem các doanh nghiệp này có đáp ứng đủ các tiêu chí tối thiểu như công bố đầy đủ báo cáo tài chính trong 3 năm hay không, quy mô của doanh nghiệp đủ lớn không?
Sang giai đoạn hai, ADB sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xem xét năng lực quản lý của doanh nghiệp đó, phương án cải cách mà lãnh đạo đơn vị đó đưa ra và khả năng thực hiện việc cải cách.
Đánh giá thêm về quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam, lãnh đạo ADB cho hay, hiện cơ quan này đã thấy một số tiến bộ hơn so với thời kỳ trước, tuy nhiên đây vẫn là quá trình lâu dài và phải mất nhiều thời gian để thấy thêm kết quả.
Song, ông Kimura tỏ ý băn khoăn về việc vai trò của Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng (DATC) trong quá trình tái cơ cấu.
Hiện nay cũng chưa biết rõ DATC có nên đóng vai trò bổ sung trong việc xử lý nợ của doanh nghiệp Nhà nước hay không bởi Chính phủ chưa đưa ra quan điểm cụ thể nào về vai trò của DATC trong cải cách doanh nghiệp Nhà nước, vị này nói.
Cho ý kiến về tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam cuối năm 2012 khoảng 55,4% liệu có phải mức an toàn không, ông Mellor cho biết vấn đề quan trọng không phải là con số là bao nhiêu mà là nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng bao nhiêu so với tốc độ tăng của nợ công và số nợ là bằng ngoại tệ hay nội tệ. Vị này dẫn chứng, có những quốc gia trên thế giới có tỷ lệ nợ công/GDP cao hơn 55% nhưng họ vẫn an toàn và không bị căng thẳng về nợ, nhưng có quốc gia tỷ lệ này thấp hơn 55% nhưng lại có nhiều vấn đề. Do vậy, vị này khuyến nghị Chính phủ cần phải chú trọng đầu tư vào ngành có năng suất, hiệu quả nhất, tránh trường hợp phải tăng chi tiêu công để trả nợ. Với một nước như Việt nam nếu tăng trưởng 8% thì có thể chấp nhận tỷ lệ nợ công/GDP là 55%, ông phát biểu. |
Huyền Thư