Đại hội cổ đông Tổng công ty Hàng hải (VIMC) đã bầu ông Lê Anh Sơn làm chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh làm tổng giám đốc. Vốn điều lệ của công ty cổ phần được thông qua là hơn 12.005 tỷ đồng.
Tương ứng vốn điều lệ, VIMC phát hành hơn 1,22 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng, trong đó Nhà nước nắm 99,4% vốn điều lệ. VIMC bán đấu giá công khai hơn 5,42 triệu cổ phần, còn lại bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn.
Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch VIMC, việc chuyển sang công ty cổ phần với nhận diện thương hiệu mới là sự thay đổi tư duy, đổi mới hoạt động quản trị, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Vinalines đã IPO tại sàn chứng khoán Hà Nội và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược vào năm 2018. Tuy nhiên doanh nghiệp này đã không tìm được nhà đầu tư chiến lược và số cổ phần bán ra công chúng không đạt theo kế hoạch. Do đó, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã phải điều chỉnh vốn điều lệ Vinalines với phần lớn do nhà nước nắm giữ.
Theo báo cáo kinh doanh trình Đại hội cổ đông, năm 2020, VIMC dự kiến đạt doanh thu 1.526 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là âm 1.024,8 tỷ đồng. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh, khó khăn hiện nay là dịch bệnh nên nhiều nước không tiếp nhận tàu hàng, làm suy giảm thị trường vận tải, doanh thu của các đội tàu giảm mạnh.
Tổng công ty đặt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng vận tải biển đạt hơn 18 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng đạt gần 139 triệu tấn, tăng trưởng 5%, doanh thu đạt hơn 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất hơn 1.230 tỷ đồng.
VIMC đang nắm giữ vốn tại 19 công ty con và 16 công ty liên kết, hiện sở hữu cổ phần của 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000 m cầu bến (chiếm khoảng 30% tổng số m cầu bến quốc gia). Trong đó có các cảng trọng điểm của cả nước như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn.
Vinalines từng có nhiều năm thua lỗ, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản do thị trường hàng hải thế giới suy thoái kéo dài, tổng công ty tiếp nhận doanh nghiệp vận tải biển thua lỗ từ Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Sau khi tái cơ cấu, 3 năm qua, doanh nghiệp đã bước đầu cân bằng và có lãi, khối cảng biển sau khi cổ phần hóa đã mang lại lợi nhuận hơn 1.000 tỷ mỗi năm, bù đắp cho hoạt động vận tải biển.