Khi doanh nghiệp ngoại nắm giữ phần lớn thị phần
Theo phân tích từ Wall Street Journal, thị trường Cloud Đông Nam Á đang là "miếng bánh" lớn cho các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc. Sau đại dịch, nhu cầu lưu trữ dữ liệu tăng vọt khiến các quốc gia ASEAN bước vào cuộc đua phát triển hạ tầng đám mây như một xu thế bắt buộc, nhưng không thể thiếu sự trợ giúp của những ông lớn nước ngoài, tiêu biểu là Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure hay Google Cloud. Gần đây, Amazon tuyên bố đầu tư hàng tỉ USD vào hạ tầng đám mây Malaysia và Thái Lan trong dài hạn, tầm nhìn đến năm 2037. Một thống kê của công ty dữ liệu Gartner còn cho thấy các công ty Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Huawei bắt đầu vươn lên trong phân khúc dịch vụ hạ tầng đám mây tại một số quốc gia Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, 80% thị phần điện toán Cloud đang nằm trong tay doanh nghiệp ngoại (theo số liệu của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông công bố năm 2022).
Việc tăng tốc quá trình chuyển đổi số, sự bùng nổ của cách mạng 4.0 và chiến lược của Chính phủ đã có tác động tích cực đến thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam, thúc đẩy thị trường phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, theo nhận định của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Cơ quan này cũng đưa ra dự kiến nếu toàn bộ doanh nghiệp Việt dùng điện toán đám mây thì thị trường có thể đạt 2,3 tỷ USD vào năm 2025.
Những tín hiệu tốt xung quanh tiềm năng phát triển Cloud tại Việt Nam đi kèm với nhiều thách thức. Trong đó có câu hỏi: ai sẽ làm chủ, phân phối công nghệ đám mây tại Việt Nam khi thị trường đang mở ra nhiều cơ hội.
Ông Giáp Hùng Cường, Tổng giám đốc VinaCIS Group - một trong những doanh nghiệp đám mây lớn tại Việt Nam chỉ ra thực tế rằng thị trường Cloud Việt Nam cách đây 10 năm còn quá nhỏ, chưa thu hút sự đầu tư từ các tập đoàn trong nước, cơ sở hạ tầng còn hạn chế kéo theo chất lượng dịch vụ chưa đạt được kỳ vọng. Sự phát triển của phong trào Startup, đại dịch và khó khăn kinh tế toàn cầu đã khiến nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt được đẩy lên rất cao, từ đó thu hút nhiều sự quan tâm, đầu tư và nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực hạ tầng số để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người dùng.
Ông Cường nhận định: "Có thể nói năm 2022 và 2023 sẽ là những năm bản lề cho sự phát triển của dịch vụ Cloud tại Việt Nam, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các trung tâm dữ liệu và dịch vụ hạ tầng Cloud đẳng cấp quốc tế".
Cách VinaCIS Group giành thị trường trên sân nhà
Với mục tiêu kêu gọi các công ty hạ tầng, thiết bị máy chủ, các công ty công nghệ, cá nhân cùng chung tay xây dựng để nâng cao thị phần tại thị trường tại Việt Nam. VinaCIS Group vừa giới thiệu mô hình Hợp tác xã Cloud với quy mô 1.200 tỷ đồng.
Ông Giáp Hùng Cường đánh giá thị trường Việt Nam mới đang chỉ ở mức hơn 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể đặt mục tiêu phát triển lên 10.000 tỷ đồng trong 2-3 năm nữa, và nắm giữ không dưới 40% thị phần trong nước.
Thông qua kế hoạch phát triển hợp tác xã, VinaCIS hy vọng đóng góp được 10% trong con số 10.000 tỷ này. Trong đó, hàng nghìn công cụ sản xuất chính là máy chủ sẽ được đóng góp từ hơn 1.000 xã viên khác nhau, đồng thời cũng chính là 1.000 điểm đại lý bán hàng và chăm sóc khách hàng lý tưởng để phục vụ rất nhiều nhu cầu vốn đa dạng từ nhiều thành phần kinh tế. "Đây là điểm khác biệt giúp hợp tác xã Cloud tiếp cận nhiều ngách thị trường, thay vì chỉ tập trung được vào vài đối tượng khách hàng của các tập đoàn đa quốc gia", đại diện VinaCIS Group cho biết.
CEO VinaCIS Group khẳng định: "Công cuộc giành lại thị phần từ các ông lớn nước ngoài là khó khăn, tuy nhiên cơ hội là không nhỏ. Doanh nghiệp Việt cần giành được niềm tin từ chính đồng bào của mình nhờ vào sự đầu tư nghiêm túc nhưng linh hoạt và am hiểu của người bản xứ".
Vị chuyên gia công nghệ tự tin, cũng giống như Microsoft và Google đang nỗ lực giành lại thị phần từ tay AWS trên trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt cũng có cơ hội tương tự trên sân nhà sau các nỗ lực đầu tư thu hẹp khoảng cách về quy mô và chất lượng dịch vụ.
"Cùng bắt tay, hợp lực và sáng tạo ra những phương thức mới, trong đó, mô hình hợp tác xã Cloud là ví dụ điển hình với công thức chia sẻ doanh thu cho mọi người, kỳ vọng sẽ có thể huy động được nguồn lực xã hội lớn, cùng nhau kinh doanh trên một nền tảng giám sát theo thời gian thực, minh bạch và chặt chẽ", lãnh đạo VinaCIS Group nói.
(Nguồn: VinaCIS Group)