Theo đề án tái cơ cấu Vinachem vừa được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ký phê duyệt, tập đoàn này sẽ phải thực hiện thoái vốn ở hầu hết các doanh nghiệp chi phối cổ phần từ nay tới năm 2020.
Cụ thể, Vinachem phải thoái hết vốn tại 4 công ty phân đạm thua lỗ là Công ty cổ phần Phân đạm Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP-Vinachem; Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, sau khi các đơn vị này hết lỗ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả trở lại.
Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam là đơn vị duy nhất tập đoàn này được nắm giữ trên 65% vốn điều lệ.
7 doanh nghiệp được tập đoàn nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, gồm Công ty cổ phần Hơi kỹ nghệ Que hàn; Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì; Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản Miền Nam; Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển; Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình; Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam.
Cũng theo đề án này, Vinachem sẽ giữ dưới 50% vốn điều lệ tại 9 doanh nghiệp và thoái toàn bộ tại 15 doanh nghiệp khác, trong đó có Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội, Công ty cổ phần Pin Ắc quy Vĩnh Phú...
Tại các đơn vị sự nghiệp như Viện Hoá học công nghiệp Việt Nam, tập đoàn này cũng phải cổ phần hoá và chuyển thành công ty cổ phần. Còn tại trường Cao đẳng công nghiệp hoá chất, Vinachem vẫn sẽ nắm cổ phần chi phối nhưng cơ cấu lại theo hướng tinh giản, hiệu quả.
Sau cơ cấu, thoái vốn, Vinachem có vốn điều lệ khoảng 20.000 tỷ đồng, công ty mẹ sẽ cổ phần hoá vào 2018 - 2019 và Nhà nước chỉ nắm giữ chi phối 50-65% vốn điều lệ.
Nửa đầu năm 2017, tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 20.929 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước và lỗ ròng 192,7 tỷ đồng. Trong khi đó năm 2016 Vinachem có doanh thu gần 39.000 tỷ đồng, nhưng lỗ ròng sau thuế của công ty mẹ gần 1.337 tỷ.
Anh Minh