Nửa đầu năm, Vinachem ghi nhận doanh thu hợp nhất 32.830 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vẫn là xương sống kinh doanh khi chiếm hơn 60% tổng doanh thu và cũng là một trong những mảng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 6 tháng qua. Theo sau là nhóm cao su, apatit, điện hóa, hóa chất cơ bản và cơ khí công nghiệp... 6 tháng đầu năm, tập đoàn đã sản xuất 1,6 triệu tấn phân bón các loại; 1,9 triệu lốp ôtô; hơn 2,7 triệu lốp xe máy; 131.000 tấn chất giặt rửa và hóa phẩm khác.
Lợi nhuận hợp nhất bán niên của Vinachem đạt 4.098 tỷ đồng, gấp hơn 31 lần cùng kỳ 2021. Doanh nghiệp này mới hoàn thành gần hai phần ba chỉ tiêu doanh thu nhưng lại vượt gấp đôi kế hoạch lợi nhuận cả năm. So với lợi nhuận năm ngoái, kết quả trên cũng tăng hơn 16,5%.
Nhiều đơn vị thành viên ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận lên đến ba chữ số so với cùng kỳ năm ngoái như Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam tăng 410%, Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam tăng 297%, Công ty CP DAP - Vinachem tăng 233%, Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì tăng 207%... Theo Tổng giám đốc Phùng Quang Hiệp, năm 2022 có thể là giai đoạn có nhiều thuận lợi nhất sau đại dịch.
Ban lãnh đạo cho biết tình hình kinh doanh khả quan trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát giúp nhu cầu tiêu dùng tăng cao trở lại. Tập đoàn cũng hưởng lợi nhờ sản xuất nông lâm sản tiếp tục đạt kết quả tích cực, xuất khẩu nông sản tăng mạnh. Ở thị trường quốc tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp này ước đạt 397,7 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ.
Vinachem báo lãi khủng góp phần hé lộ bức tranh hoạt động kinh doanh tích cực của ngành hóa chất. Trong 6 tháng đầu năm, theo thống kê của VnDirect, ngành hóa chất ghi nhận thanh khoản tăng 134% so với cùng kỳ, trở thành nhóm có dòng tiền đổ vào nhiều nhất do giá phốt pho và phân bón tăng cao, xuất phát từ tình hình địa chính trị ở Ukraine.
Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm, Vinachem cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế thế giới, tác động của các chính sách. Đặc biệt, xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo ra sức ép lớn làm giá dầu mỏ tăng cao, đẩy nền kinh tế thế giới lâm vào tình trạng lạm phát.
Cùng với tác động của tăng giá dầu dẫn đến giá hầu hết loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tại các đơn vị của Vinachem cũng tăng cao. Trong đó lưu huỳnh (nguyên liệu sản xuất axit sunphuric, phân supe, phân DAP) đã tăng hơn 85%, amoniac (nguyên liệu sản xuất phân DAP) tăng gần 37%, vải mành và than đen (nguyên liệu sản xuất sản phẩm cao su) tăng lần lượt 17% và 15%... so với giá bình quân năm 2021. Điều này làm tăng giá thành sản phẩm.
Trong thời gian tới, VnDirect dự báo giá phân bón sẽ giảm vì mặt hàng này ở Bắc Mỹ đã hạ giá mạnh kể từ tháng 3. Song song đó, trong bối cảnh nhu cầu xe điện bùng nổ và nguồn cung thiếu hụt, Trung Quốc đã phê duyệt tăng công suất phốt pho vàng thêm 356.000 tấn mỗi năm cho giai đoạn 2023-2024, từ mức sản lượng hiện tại là 1,4 triệu tấn một năm. Do đó, giá cả của mặt hàng này sẽ hạ nhiệt trong năm 2023.
Diễn biến thị trường trên có thể là trở ngại cho Vinachem trong thời gian tới khi nhóm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cơ bản, khí công nghiệp chiếm khoảng hai phần ba tổng doanh thu.
Trong kế hoạch kinh doanh đề ra đầu năm nay, ban lãnh đạo tập đoàn cho biết sẽ tập trung mọi nguồn lực để phát triển thị trường, đẩy mạnh các sản phẩm có lợi thế như phân bón DAP, urê, phân bón NPK... Vinachem cũng đầu tư nghiên cứu thị trường xuất khẩu với các sản phẩm mục tiêu, tập trung đánh giá nhu cầu, tình hình cạnh tranh và các yếu tố cốt lõi tác động đến thị trường này.
Tất Đạt