Quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund Ltd (VOF) thuộc VinaCapital vừa thông báo đầu tư 25 triệu USD vào Công ty cổ phần Y khoa Tâm Trí. Doanh nghiệp này được sử dụng vốn để mở rộng 4 bệnh viện tư nhân hiện hữu tại TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Đồng Tháp, đồng thời thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập để phát triển hệ thống.
Lý giải về việc đầu tư vào Tâm Trí, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phần đầu tư VinaCapital cho rằng việc mỗi năm người Việt chi hơn 2 tỷ USD cho khám chữa bệnh ở nước ngoài là cơ hội lớn đối với các dịch vụ y tế chất lượng trong nước.
“Hơn nữa, Tổng giám đốc hiện tại của Tâm Trí là ông Nguyễn Hữu Tùng - cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ. Chúng tôi làm việc với ông Tùng từ năm 2009 khi đầu tư vào Hoàn Mỹ và tạo nên một thương vụ cực kỳ thành công trong lĩnh vực y tế tư nhân. Từ đó, chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội được hợp tác lần nữa với ông ấy”, đại diện VinaCapital nói.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Y khoa Tâm Trí.
Trong thông báo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán London – nơi VOF đang niêm yết, VinaCapital không tiết lộ tỷ lệ cổ phần nắm giữa sau khi rót vốn vào Tâm Trí.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp này vừa có sự thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông. Công ty TNHH Đầu tư và tư vấn quản lý Á Châu đã giảm tỷ sở hữu tại đây từ 99,99% xuống còn 0% sau hai lần thoái vốn từ đầu tháng 7 đến nay. Tuy nhiên, thông tin cổ đông thay thế không được công bố.
Tâm Trí được thành lập cuối tháng 10/2013 và tự giới thiệu là đơn vị cung cấp các giải pháp chăm sóc sức khỏe tích hợp với mạng lưới bệnh viện và phòng khám đa khoa phủ khắp cả nước.
Doanh nghiệp này hiện có khoảng 500 giường bệnh, 700 nhân viên và tăng trưởng doanh thu 30% mỗi năm. Định hướng phát triển của doanh nghiệp này là tập trung vào khu vực TP HCM, miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2009, đứng trước nhu cầu về vốn khi doanh nghiệp y khoa này muốn mở rộng kinh doanh, nhà sáng lập của Hoàn Mỹ đã chọn VinaCapital là đối tác đầu tư chiến lược vào hệ thống bệnh viện này. VinaCapital khi đó cùng DWS Vietnam Fund của Deustche Bank đã rót 20 triệu USD để nắm giữ 44% vốn của Hoàn Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi thương vụ hoàn tất, nhà sáng lập của Hoàn Mỹ mới nhận ra những lỗ hổng trong điều khoản hợp đồng. VinaCapital đưa ra hai yêu cầu: Hoàn Mỹ sẽ IPO hoặc họ sẽ ra khỏi Hoàn Mỹ, và yêu cầu thứ hai về lợi nhuận với con số lũy tiến tăng 50% mỗi năm.
VinaCapital yêu cầu Hoàn Mỹ bằng mọi giá phải đạt được điều đó, nếu không đạt được sẽ phải hoàn vốn đầu tư, đồng thời phải chịu phạt lãi suất đối với trường hợp của Deutsche Bank. Yêu cầu còn bao gồm cả điều khoản chuyển đổi cổ phần, tương tự như Ba Huân và nhiều khoản đầu tư khác.
Kết quả là trước yêu cầu về nâng cao năng lực quản trị cùng áp lực về lợi nhuận, ban lãnh đạo của Hoàn Mỹ đã không đáp ứng được điều kiện về tăng trưởng. Hơn một năm sau đó, hệ thống bệnh viện này được bán lại cho Fortis. VinaCapital nhận được con số lợi nhuận gấp nhiều lần ban đầu, còn nhà sáng lập của Hoàn Mỹ phải dứt áo ra đi.
Phương Đông