Sau hơn 20 năm phát triển, Viktor & Rolf ngày nay được coi là một trong biểu tượng về sự sáng tạo trong làng mốt. Những thiết kế từ tay Viktor Horsting và Rolf Snoeren có sức hút kỳ lạ với các sao cá tính như Jennifer Lawrence, Natalie Portman, Lady Gaga, Jessica Alba, Rihanna hay Katy Perry mỗi lần lên thảm đỏ.
Năm 2006, hãng thời trang Hà Lan từng gây xôn xao khi kết hợp với H&M để tạo ra 20 mẫu váy cưới và bán sạch chỉ trong 3 tiếng. Để sở hữu được những bộ váy cưới này, không ít người phải xếp hàng từ 2h sáng trước các cửa hiệu. Bộ đôi nhà thiết kế Viktor Horsting và Rolf Snoeren ẵm trọn một triệu USD chỉ sau vài tiếng.
Quan niệm thời trang là "phải được thỏa sức sáng tạo, biến những ý niệm vô thực thành hiện thực", bộ đôi của Viktor & Rolf khiến làng mốt ngả mũ trước những mẫu trang phục mạ vàng, có cấu trúc vặn xoắn phức tạp cùng vô số ý niệm trừu tượng ẩn chứa bên trong. Mỗi show diễn thời trang của hãng đều được ví như một buổi trình diễn nghệ thuật đương đại ấn tượng. Hai người đứng đầu hãng tâm niệm: "Thời trang không phải chỉ là tạo ra những chiếc váy. Chúng tôi muốn biến đổi, muốn tái phát minh thế giới. Chúng tôi tái tạo dựng các yếu tố và bắt chúng tuân theo quy luật của mình".
Tên tuổi của Viktor Horsting và Rolf Snoerenb trở thành hiện tượng sau khi giới thiệu bộ sưu tập Hyères ở một cuộc thi tại Liên hoan Thời trang và Nhiếp ảnh Quốc tế (Festival International de Mode et de Photographie) tại Paris năm 1993. Các trang phục của hãng lúc ấy lấy cảm hứng từ những thiết kế kinh điển của các "tay kéo" đình đám như Elsa Schiaparelli, Cristóbal Balenciaga hay Yves Saint Laurent nhưng lại lồng ghép một chút sự táo bạo mang hơi hướng dị giáo của Kansai Yamamoto, Comme des Garcons và Yohji Yamamoto. Bộ sưu tập đầu tay của Viktor & Rolf đã giành giải ba khi ấy và được ví như luồng gió lạ thổi vào ngành công nghiệp thời trang cũ kỹ thời đó.
Với tham vọng chinh phục làng mốt cùng tài năng sẵn có, hai nhà thiết liên tục khiến giới thời trang kinh ngạc trước sức sáng tạo của mình. Sau chuyến "chinh phạt" Liên hoan Thời trang và Nhiếp ảnh Quốc tế, năm 1993, hãng thời trang Hà Lan gây chao đảo sàn catwalk Paris với buổi giới thiệu bộ sưu tập mang tên Viktor & Rolf’s The Manifestation of Emptiness tại triển lãm Patricia Dorfman. Những bộ trang phục mạ vàng được treo bằng các sợi dây cước mỏng như vô hình khiến buổi trình diễn trở nên huyền ảo đầy nghệ thuật.
Viktor & Rolf khuấy đảo làng thời trang với hàng loạt bộ sưu tập trong khoảng 7 năm sau đó. Hầu hết sản phẩm của hai ông đều chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm điêu khắc và kiến trúc với cấu trúc đa tầng, vặn xoắn phức tạp. Thậm chí đôi lúc, trang phục bị bóp méo tới nỗi tưởng chừng cấu trúc có thể phá hủy.
Tuy vậy, đến năm 2000, hãng bắt đầu gác dần mẫu trang phục cao cấp để đầu tư hơn cho đồ ứng dụng. Năm 2013, bộ đôi thiết kế mới kỷ niệm 20 năm làm nghề với bộ sưu tập Haute Couture mới tại tuần thời trang Paris Thu Đông. Các trang phục lần này được lấy cảm hứng từ một khu vườn thiền nổi tiếng trong ngôi đền Ryōan-ji ở Kyoto, Nhật Bản. Sàn catwalk đặt trong 5 quần thể kiến trúc đá cuội độc đáo tại những vị trí khác nhau, phía dưới là nền cát. Các tuyệt tác tốn hơn 1.000 giờ sáng tạo khiến cả thế giới một lần phải nín thở để chiêm ngưỡng.
Ngoài tài năng sẵn có, một phần thành công của Viktor & Rolf còn đến từ sự đồng điệu trong sáng tạo và tâm hồn. Cùng sinh năm 1969, hai nhà thiết kế đã là tri kỷ từ thời còn đi học. "Hồi mới vào đại học, chúng tôi đã chơi thân với nhau một cách rất tự nhiên. Cả hai đều có tham vọng thời trang lớn và cùng theo đuổi phong cách mặc cổ điển với áo khoác và cà vạt chỉn chu. Điều đó làm mọi người xa cách và không dám tiếp cận. Chúng tôi hay vẽ linh tinh cùng nhau, có khi thành hẳn một bộ sưu tập", Rolf Snoeren nhớ về những ngày đầu ông gặp Viktor Horsting trong Học viện nghệ thuật Arnhem.
Viktor Horsting và Rolf Snoerenb hiếm khi tranh cãi. Họ coi những cuộc tranh luận về thiết kế chỉ là cách để tìm ra tiếng nói chung. Chất keo gắn kết của đôi tri kỷ là luôn đem vọng tưởng vào thiết kế và cố gắng gìn giữ chúng. Rolf Snoeren từng tâm sự: "Cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ toàn điều tốt đẹp như những ly champagne hay con người hào nhoáng. Thế nhưng, chúng tôi cố gắng duy trì những vọng tưởng ấy trong thiết kế của mình. Vọng tưởng rất cần thiết. Nó giúp công việc của chúng tôi thoát khỏi hiện thực phũ phàng. Cả hai người đều thích đem sự bí ẩn, pha trộn giữa hiện thực và thần tiên, vào trang phục của mình".
Thi Thi