Đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cho biết các giải pháp ứng dụng, được thiết kế dựa trên chính những vấn đề đang tồn tại, tạo ra những thay đổi, góp phần tăng năng suất tổ hợp logistics lên đến 50%.
5G với ngành logistics
Theo Viettel, đơn cử trong lĩnh vực cảng biển, ứng dụng Crane Remote Control cho phép điều khiển cần cẩu từ xa thay vì buồng lái cao 30-40m. Các hệ thống phương tiện tự hành trong cảng biển và nhà kho có thể tăng năng suất vận chuyển, giảm chi phí nhân công.
Tương tự, các hệ thống đường sắt và cảng hàng không cũng có thể tối ưu năng suất, tính an toàn và mức độ hài lòng của hành khách nhờ sử dụng các hệ thống thông minh dựa trên công nghệ 5G.
Trong kỷ nguyên số, 5G là hạ tầng cần thiết đầu tiên và các giải pháp 5G2B sẽ trở thành điều kiện đủ giúp cho các nhà quản lý ra quyết định dựa trên số liệu, giám sát và đưa ra cảnh báo theo thời gian thực... để tạo ra những bước tiến quan trọng.
Theo công bố của Viettel, hệ sinh thái 5G2B đã sẵn sàng với hơn 100 giải pháp số, sẽ khai phóng tiềm năng số, thúc đẩy sự đổi mới của các doanh nghiệp và tổ chức trên hạ tầng siêu kết nối 5G, tạo ra các giải pháp đa dạng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực giúp tối ưu hóa quản lý, tự động hóa quy trình, an toàn bảo mật.
Hệ sinh thái 5G2B với giao thông thông minh
Giao thông thông minh là yếu tố then chốt tạo nên giao thông bền vững dành cho người dân và cấp quản lý. Hạ tầng giao thông hiện đại với số lượng lớn các hệ thống camera, cảm biến quan trắc, đèn tín hiệu và bảng thông báo thực hiện thu thập dữ liệu giao thông theo thời gian thực truyền tải qua kết nối 5G đến hệ thống giao thông thông minh phân tích, giúp đưa ra cảnh báo và lên phương án đảm bảo giao thông cho đơn vị điều hành.
Theo tập đoàn này, trong công tác điều khiển giao thông thích ứng, công nghệ 5G cho phép toàn bộ dữ liệu hình ảnh chất lượng cực nét từ hệ thống camera trong thành phố có thể truyền tải theo thời gian thực với độ trễ thấp đến bộ xử lý AI tập trung. Tại đây, dữ liệu được xử lý và chuyển đồng bộ đến toàn bộ các nút giao thông trong thành phố thông qua kết nối 5G giúp luồng chảy giao thông trở nên thông suốt.
Ngoài ra, trung tâm điều hành giao thông cũng có thể đưa ra các kịch bản về tín hiệu đèn ưu tiên, phân luồng giao thông khi có các sự kiện, các đoàn xe ưu tiên... theo thời gian thực.
Theo đại diện Viettel, hệ sinh thái các thiết bị IoT (Internet vạn vật) cùng với bộ não số IOC được ứng dụng công nghệ AI cho phép tự động đo đếm, phân loại phương tiện, đánh giá để đưa ra dự báo ùn tắc hay gợi ý các biện pháp điều chỉnh. Việc theo dõi phương tiện vi phạm và xử phạt một cách công bằng, minh bạch sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Một trong những ứng dụng 5G nổi bật trong giao thông thông minh rất có tiềm năng trong tương lai ở Việt Nam chính là xe tự lái và điều khiển phương tiện từ xa. Tài xế có thể điều khiển phương tiện từ xa đến địa điểm mục tiêu và thực hiện các nhiệm vụ thay thế con người làm việc ở những nơi nguy hiểm như mỏ khai thác, khu vực thiên tai, góp phần giảm thiểu rủi ro và tai nạn lao động.
Xe tự lái với kết nối 5G không chỉ đơn thuần di chuyển mà còn có thể giao tiếp với nhau và với hệ thống giao thông, giúp giảm tai nạn và ùn tắc.
Dấu ấn của Viettel với giao thông thông minh
Viettel Solutions (thành viên Tập đoàn Viettel) đã triển khai hơn 40 hệ thống trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại các tỉnh thành trên cả nước. IOC góp phần giúp cho công tác điều hành, chỉ đạo của các địa phương được minh bạch, có các bộ KPI giám sát để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.
Theo công bố của Viettel, hệ thống giao thông thông minh đang được thử nghiệm tại Hà Nội từ tháng 7/2024 chính là một phần của IOC mà Viettel Solutions đã áp dụng ở nhiều địa phương.
Các chức năng của hệ thống giao thông thông minh trong giai đoạn thí điểm bao gồm hệ thống giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý đỗ xe; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.
Với những chiếc camera hỗ trợ xử phạt vi phạm giao thông, đo đếm lưu lượng phương tiện, giám sát tốc độ, biển báo thông tin giao thông VMS (Quản lý video và phân tích hình ảnh thông minh)..., hệ thống có thể theo dõi tình trạng giao thông, ghi nhận các hành vi vi phạm, phát hiện các tình huống phát sinh và đưa ra cảnh báo.
Theo công bố của nhà mạng này, 5G của Viettel phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố. Với băng thông rộng, tốc độ tối đa 20Gb/s downlink và 10Gb/s uplink, độ trễ có thể đạt ngưỡng 1ms với độ tin cậy 99,999%, hạ tầng 5G cho phép ứng dụng các công nghệ tiên tiến 4.0 đi vào đời sống hàng ngày, bao gồm cả lĩnh vực giao thông.
Hội An