Giữ các hoạt động theo phương châm "Sáng tạo vì con người", Viettel chủ động ủng hộ và tạo ra môi trường cân bằng trong công việc dành cho mọi nhân viên, không phụ thuộc vào giới tính. Nhiều nữ kỹ sư đang đóng vai trò quan trọng trong các dự án, minh chứng cho tiềm năng và sự đóng góp của nữ giới trong ngành công nghệ. Bên cạnh các chính sách nhân sự nội bộ, tập đoàn đồng hành, tổ chức các hoạt động thúc đẩy và truyền cảm hứng cho nữ giới trong ngành.
Chẳng hạn, năm nay, Viettel đồng hành cùng tổ chức Women Techmakers với chương trình Sudo Code. Sudo Code là chương trình mentorship miễn phí dành cho cộng đồng lập trình viên, ưu tiên người hướng dẫn (mentor) và thí sinh nữ. Chương trình dành cho bạn trẻ yêu thích khoa học dữ liệu chưa tốt nghiệp quá một năm tại khu vực TP HCM. Mục tiêu là giúp các bạn trẻ, đặc biệt là nữ giới, định hướng nghề nghiệp tương lai thông qua các hoạt động học tập và làm việc được cố vấn bởi những mentor có kinh nghiệm trong lĩnh vực IT.
Năm 2024, lĩnh vực chương trình lựa chọn là NLP (xử lý ngôn ngữ tự nhiên) - một ngành nổi bật trong lĩnh vực AI, Data, tập trung vào các thuật toán và mô hình học máy tiên tiến. Thí sinh được khám phá cách máy tính giao tiếp và hiểu ngôn ngữ con người, biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực. Sudo Code được bảo trợ chuyên môn, cố vấn tổ chức từ hơn 20 chuyên gia của Google Developer Expert, FPT Telecom, Kmin Academy, EPAM Vietnam và đối tác cộng đồng AngelHacks.
Khởi động từ tháng 9, chương trình nhận hơn 300 lượt đăng ký, vào vòng phỏng vấn 100 người với 60% là nữ. 30 được tham gia vào vòng đào tạo và 4 đội có demo chất lượng nhất lọt vào vòng chung kết. Bên cạnh các tài liệu và workshop chuyên môn, các thí sinh còn được "cầm tay" hướng dẫn bởi các chuyên gia, mentor có kinh nghiệm. Viettel cũng đóng góp 4 chuyên gia NLP có hơn 3 năm kinh nghiệm và một cố vấn đến từ Viettel AI. Các buổi workshop chuyên môn thu hút trung bình gần 200 người tham dự trực tiếp.
Chung kết Sudo Code 2024 diễn ra với hơn 300 người theo dõi tại sự kiện và hơn 300.000 lượt theo dõi online. Các đội thi đã trình bày bản chạy thử với chủ đề "Chatbot hỗ trợ mua sắm thương mại điện tử", tham gia phản biện với các đội thi khác, ban giám khảo và khán giả tại trường quay.
Phần chiến thắng chung cuộc thuộc về đội do mentor Nguyễn Thị Ngọc Ánh (Kỹ sư AI từ Viettel AI) dẫn dắt. Chia sẻ về quá trình tham gia chương trình, Ngọc Ánh cho biết vui mừng vì "người Viettel" có cơ hội góp phần thúc đẩy khai phá tiềm năng của nữ giới trong cộng đồng lập trình. Kỹ sư AI cho rằng những sân chơi như Sudo Code cần được mở rộng ra toàn quốc để giúp nhiều người tiếp cận trực tiếp với sản phẩm và dữ liệu của Viettel, tạo môi trường học hỏi và kết nối sẽ giúp các nữ lập trình viên.
Theo đại diện Viettel, mặc dù ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao với các vai trò quan trọng, nhưng chênh lệch nam, nữ vẫn còn nhiều. Đây vẫn là một trong những ngành xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính.
Theo thống kê của 11 công ty công nghệ hàng đầu thế giới, bao gồm Intel, Microsoft, Samsung, tỷ lệ nữ giới làm việc tại các công ty này chỉ chiếm khoảng 30%, với 5-10% trong đó nắm giữ các chức danh lãnh đạo quan trọng. Nhiều học sinh, sinh viên nữ cũng e dè khi lựa chọn nghề công nghệ khi theo thống kê, chỉ có khoảng 3% nữ giới quyết định theo đuổi công việc này ngay từ đầu.
Thúc đẩy sự tham gia của nữ giới là mục tiêu quan trọng của Viettel. Năm 2023, đơn vị đã tổ chức chuỗi hoạt động Women In Data Science thu hút hơn 330.000 lượt tiếp cận, 1.000 lượt tương tác, thu hút 400 khán giả trực tiếp và đội ngũ diễn giả tới từ LinkedIn, Supercell, Standford.
Google Women Techmakers là một cộng đồng được nhân viên Google phát triển kể từ năm 2012 nhằm truyền cảm hứng và nâng cao tiếng nói cho phái nữ trong cộng đồng công nghệ. Tới nay, chương trình đã triển khai toàn cầu hơn với 1.264 sự kiện, 2.674 đại sứ, hơn 82.000 thành viên. Women Techmakers HCMC hoạt động kể từ năm 2022 với nhiều hoạt động nổi bật như IWD, Sudo Code, Fireside chat, Tech Stations...
Hoài Phương