Tính đến ngày 13/9, Tập đoàn này đã đóng góp 20 tỷ đồng vào quỹ của Bộ Quốc phòng và 80 tỷ đồng là chi phí các dịch vụ cung cấp cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão Yagi.
Đại diện Tập đoàn cho biết, nhận định việc đảm bảo mạng lưới viễn thông thông suốt là yếu tố then chốt để chạy đua với tình hình thiên tai khẩn cấp nhằm cứu trợ người dân, Viettel đã triển khai chương trình hỗ trợ trực tiếp tiền dịch vụ vào tài khoản của hơn 2 triệu khách hàng, thiết lập liên lạc khẩn cấp cho người dân và các đội cứu hộ tại gần 20 tỉnh có các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Doanh nghiệp cũng ưu tiên thiết lập liên lạc mới, cung cấp hàng trăm sim điện thoại tại các địa phương xảy ra sự cố sạt lở để đảm bảo liên lạc cho các đội cứu hộ như xã Phúc Khánh, xã Nậm Lúc (Lào Cai), xã Ca Thành (Cao Bằng)... Đơn vị còn xây dựng mạng lưới 500 điểm sạc pin điện thoại tại các khu vực bị mất điện lưới để đảm bảo thông tin liên lạc xuyên suốt trong quá trình cứu hộ, cứu nạn.
Cùng với việc đóng góp tài chính khắc phục hậu quả bão lũ, khoảng 3.000 chuyến xe chở 7.500 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm đã được Viettel vận chuyển đến các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão. Tập đoàn cũng duy trì hoạt động các bưu cục để tiếp nhận tài trợ từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ người dân đến các vùng bão lũ nhanh chóng.
Đến ngày 14/9, mạng lưới di động các tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 YAGI cơ bản đã hoạt động bình thường. Toàn bộ các tỉnh miền núi phía Bắc đã được khôi phục dịch vụ di động. Tùy theo tình hình thực tế trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục có các hoạt động hỗ trợ khách hàng khu vực ảnh hưởng bởi bão lũ.
Trước đó trong ngày 10/9, ngay khi nhận được thông tin về điểm sạt lở tại thôn Làng Nủ, huyện Bảo Yên, Lào Cai, chi nhánh Viettel đã cử cán bộ, nhân viên mang theo lượng lớn thiết bị, công cụ, dụng cụ đến hiện trường để lắp đặt trạm di động phát sóng khẩn cấp phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Được biết đây là thôn xa trung tâm, bị cô lập do mưa lũ và gián đoạn thông tin liên lạc, lũ quét đã vùi lấp toàn bộ ngôi làng với 128 nhân khẩu của 35 hộ dân.
Địa hình hiểm trở, chia cắt, cán bộ nhân viên Viettel đã phải di chuyển qua 18 km đường trong điều kiện mưa lớn và sạt lở nghiêm trọng để lắp đặt một trạm di động mới để phục vụ phát sóng khẩn cấp. Đây cũng chính là trạm phát sóng 4G công nghệ mới lần đầu tiên được Viettel triển khai để ứng phó khẩn cấp phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Ưu điểm của trạm phát sóng này là sử dụng tần số có khả năng truyền xa hơn, đi xuyên địa hình tốt hơn so với những trạm phát sóng 4G thông thường ở Việt Nam hiện nay.
Trong điều kiện thời tiết cực đoan, rạng sáng ngày 11/9 trạm LCI0156-11 tại Làng Nủ đã phát sóng thành công, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ tại điểm sạt lở nghiêm trọng nhất hiện nay của tỉnh Lào Cai. Tại đây, Tập đoàn đã trao 100 triệu đồng hỗ trợ bà con Làng Nủ khắc phục bước đầu, đồng thời tổ chức thăm hỏi, phát hơn 100 sim Viettel miễn phí cho bà con địa phương để đảm bảo thông tin không bị gián đoạn.
Ước tính sơ bộ trong thời gian bão Yagi gây ra các đợt mưa lớn và lũ lụt trên diện rộng tại miền Bắc, hệ thống hạ tầng viễn thông của Viettel đã chịu ảnh hưởng nặng nề vì mất điện làm gián đoạn vận hành trạm phát sóng, sạt lở đất làm đứt cáp truyền dẫn kết nối giữa các trạm và các tỉnh thành. Các sự cố gián đoạn thông tin này càng khó khắc phục hơn do lũ lụt hoặc các tuyến đường bị chia cắt.
Hiện tại Viettel đã hoàn thành nhiệm vụ khôi phục liên lạc di động tại toàn bộ các tỉnh miền núi phía Bắc và đưa tỷ lệ gián đoạn thông tin tại các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất xuống dưới 5%, cho thấy tinh thần đoàn kết, ý chí vượt lên khó khăn, tự hào mang theo thông điệp "Công nghệ từ trái tim" đến từng người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Yên Chi