Theo đại diện Viettel, 5G2B (5G to Bussiness) với hơn 100 dịch vụ và giải pháp dành riêng cho các doanh nghiệp, tổ chức trong các ngành khác nhau. Điểm nổi bật của hệ sinh thái này là kết hợp các công nghệ Cloud, AI, IoT trên nền 5G với khả năng kết nối thiết bị mật độ cao, tốc độ kết nối cao, độ trễ thấp và độ ổn định cao.
Các giải pháp tập trung vào các ngành trọng điểm gồm: sản xuất công nghiệp, Smart city, giao thông vận tải và logistics, nông nghiệp, y tế , giáo dục, năng lượng. Viettel 5G2B có khả năng linh hoạt, cá thể hoá theo yêu cầu để đáp ứng các nhu cầu ứng dụng, quản lý hoạt động sản xuất, giám sát và tự động hóa của doanh nghiệp, tổ chức.
Theo công bố của nhà mạng này, hệ sinh thái này ứng dụng trên hạ tầng 5G sở hữu các ưu thế so với công nghệ kết nối truyền thống. Đầu tiên là băng thông di động cực lớn với tốc độ cao (tối đa 20Gb/s downlink và 10Gb/s uplink), đáp ứng nhu cầu của những ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và sử dụng cho các video chất lượng 4K/8K.
Theo Viettel, độ trễ thấp và độ ổn định cao (có thể đạt độ trễ 1ms với độ tin cậy 99,999% trên kênh vô tuyến 5G), cho phép truyền tải dữ liệu thời gian thực, đáp ứng yêu cầu cho các ứng dụng điều khiển chính xác như vận hành cần cẩu và thiết bị từ xa, robot di động và thiết bị bay không người lái, xe tự hành (AGV),thực tế ảo tăng cường.
Thế mạnh khác của 5G chính là kết nối máy-máy diện rộng với mật độ lên đến 1.000.000 thiết bị/km2 cao hơn đáng kể so với 4G. 5G là hạ tầng phù hợp cho hệ sinh thái Internet vạn vật (IoT), nơi hàng triệu thậm chí hàng tỷ thiết bị cần được kết nối và giao tiếp liền mạch, chẳng hạn như các thành phố thông minh, nhà máy thông minh, và hệ thống giám sát diện rộng....
"Các giải pháp 5G2B của Viettel sở hữu tính bảo mật cao, sử dụng kết nối trên nền di động với tần số và hạ tầng kết nối theo tiêu chuẩn bảo mật cao nhất của mạng di động, được giám sát tập trung và vận hành theo 9 quy trình khai thác toàn cầu của nhà mạng số một Việt Nam. Do vậy, đảm bảo việc không bị can thiệp trong quá trình vận hành khai thác đặc biệt là trong các ứng dụng cần độ tin cậy cao như điều khiển máy móc hoặc thiết bị từ xa", đại diện Viettel nói.
Đại diện nhà mạng khẳng định, hệ sinh thái 5G2B giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số đối tối ưu quản lý và tự động hóa quy trình ở kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thực tế ảo... cùng hàng tỷ thiết bị IOT. Sự phát triển về công nghệ, được hỗ trợ bởi 5G sẽ mở rộng hệ sinh thái di động sang các ngành công nghiệp mới.
Tại Việt Nam, triển khai 5G là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Chính phủ đề ra. Việc xây dựng và phát triển hạ tầng số là tất yếu, đóng vai trò rất quan trọng thúc đẩy sự sự phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Hội An