Chuyển đổi số toàn diện
Lễ khởi động dự án "Tư vấn chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và phát triển hệ thống công nghệ thông tin" của Vietsovpetro với Liên danh nhà thầu FPT - PetroSouth đã diễn ra tại Vũng Tàu hôm 30/3 vừa qua. Dự án chính thức được khởi động bằng nghi thức ký tên giữa hai bên đại diện theo hình thức số hóa.
Bám sát những mục tiêu chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), nhất là giai đoạn 2023 - 2025 và đến 2030, Vietsovpetro sẽ triển khai công tác chuyển đổi số với những mục tiêu cụ thể như: xây dựng, kiện toàn hệ thống quản trị ERP; tối ưu hóa việc sử dụng các phần mềm chuyên ngành để phục vụ công tác sản xuất; xem xét, đánh giá tổng thể về công nghệ thông tin để có những lộ trình rõ ràng, tối ưu trong quá trình hoạt động, vận hành.
Tại lễ khởi động dự án, thay mặt ban lãnh đạo Vietsovpetro, ông Vũ Mai Khanh, Tổng giám đốc đã phát biểu nhằm định hướng việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số và chiến lược công nghệ thông tin cần tiến hành song song với sản xuất kinh doanh và phát triển các giải pháp IT đáp ứng nhu cầu sản xuất. Vietsovpetro sẽ bố trí nguồn lực nội bộ phù hợp để phối hợp thực hiện tốt và đúng tiến độ các hạng mục của dự án.

Ông Vũ Mai Khanh, Tổng giám đốc Vietsovpetro phát biểu định hướng chuyển đổi số của đơn vị tại lễ khởi động dự án hôm 30/3. Ảnh: FPT Digital
Ông Trần Quốc Thắng, Phó tổng giám đốc Khoa học và Công nghệ Vietsovpetro, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số cho biết, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu với doanh nghiệp. Đối với Vietsovpetro, một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí, hoạt động sản xuất áp dụng nhiều loại hình công nghệ cao, chuyển đổi số lại càng có vai trò quan trọng. Hiện nay, ứng dụng các nền tảng số, công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất của đơn vị đã ở một mức độ nhất định. "Tuy nhiên, để có thể chuyển đổi số một cách hiệu quả cần một chiến lược tổng thể và nhất quán, một lộ trình rõ ràng, được xây dựng dựa trên đánh giá hiện trạng và năng lực số của Vietsovpetro", ông Thắng cho biết.
Dự án chuyển đổi số của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro sẽ gồm 4 giai đoạn. Giai đoạn một là khởi động dự án. Giai đoạn hai là đánh giá hiện trạng và năng lực số. Giai đoạn ba là xây dựng tầm nhìn và chiến lược chuyển đổi số. Cuối cùng, giai đoạn bốn là xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng chương trình chuyển đổi số của đơn vị.

Ông Trần Quốc Thắng, Phó tổng giám đốc Khoa học và Công nghệ Vietsovpetro và ông Trần Huy Bảo Giang, Tổng giám đốc FPT Digital, đại diện hai bên ký kết dưới hình thức số hóa. Ảnh: FPT Digital
Những lợi thế của Vietsovpetro khi chuyển đổi số
Ông Trần Quốc Thắng cho biết, là một Liên doanh được sở hữu bởi hai tập đoàn lớn là Petrovietnam và Zarubezhneft, Vietsovpetro có nhiều lợi thế khi bước vào chuyển đổi số.
Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí đã có chủ trương và chiến lược chuyển đổi số đến năm 2030, làm cơ sở nền tảng để các đơn vị thành viên, trong đó có Vietsovpetro bám sát triển khai, từ định hướng chiến lược tổng thể đến lộ trình rõ ràng.
Với sự ủng hộ từ các lãnh đạo của cả Petrovietnam và Zarubezhneft, Vietsovpetro sẽ có được nguồn lực tốt để triển khai chuyển đổi số. Vietsovpetro có thể tận dụng được những kinh nghiệm quý giá của các chuyên viên hai phía Petrovietnam và Zarubezhneft - những người đã trực tiếp xây dựng chiến lược tổng thể và lộ trình chuyển đổi số thành công. Đơn vị có thể tham khảo cũng như nhận sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực từ họ.
Ông Thắng kết luận, Vietsovpetro chuyển đổi số với mục tiêu chính là tối ưu chi phí, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả. Với Liên doanh, để tăng năng suất chính là tăng cường ứng dụng công nghệ giúp nâng cao hiệu quả thăm dò và khai thác dầu khí cũng như tối ưu hóa quản trị, góp phần tiết giảm chi phí hoạt động, giảm giá thành khai thác trên một tấn dầu, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả chung.

Ông Trần Quốc Thắng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số, Phó tổng giám đốc Khoa học và Công nghệ Vietsovpetro. Ảnh: FPT Digital
Vietsovpetro được thành lập vào năm 1981. Chỉ sau đó ba năm, đơn vị đã phát hiện dòng dầu công nghiệp tại trầm tích Mioxen, mỏ Bạch Hổ hồi tháng 5/1984. Những tấn dầu xuất khẩu đầu tiên của Vietsovpetro vào ngày 26/6/1986 đã ghi tên Việt Nam trên bản đồ dầu khí thế giới. Tiếp đó, ngày 6/9/1988, doanh nghiệp đánh dấu bước ngoặt của ngành dầu khí Việt Nam qua sự kiện tìm thấy một loại thân dầu mới trong tầng đá móng granit nứt nẻ - một hiện tượng địa chất rất hiếm, cũng tại mỏ Bạch Hổ. Thành công của Vietsovpetro đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử ngành dầu khí, đặt nền móng và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khí, điện, đạm tại Việt Nam.
Trong suốt 42 năm xây dựng và phát triển, Vietsovpetro đã khảo sát hàng trăm nghìn km2 tuyến địa chấn 2D và hàng chục nghìn km2 địa chấn 3D trên thềm lục địa Việt Nam, phát hiện 9 mỏ dầu khí có giá trị thương mại. Với sản lượng khai thác hơn 246 triệu tấn dầu (chiếm gần 60% tổng lượng dầu khai thác của toàn ngành dầu khí Việt Nam), cung cấp về bờ trên 38,2 tỷ m3 khí, doanh nghiệp đã khẳng định vị thế của mình trong ngành dầu khí Việt Nam.

Giàn Công nghệ trung tâm số 2 - mỏ Bạch Hổ, Vietsovpetro. Ảnh: Vietsovpetro
Chương trình chuyển đổi số toàn diện sẽ góp phần giúp Vietsovpetro giữ vững vai trò trụ cột trong Petrovietnam, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển ngành dầu khí Việt Nam.
(Nguồn: Vietsovpetro)