Thành lập vào tháng 6/2014, Công ty CP Dịch vụ Vận chuyển Thế giới - Worldtrans - có tiền thân là Trung tâm Vé và Dịch vụ hành khách thế giới (WorldTicket) của Vietravel. Việc chuyển đổi này xuất phát từ nhu cầu phát triển ngày càng nhanh chóng của công ty mẹ, buộc trung tâm vé phải chuyển đổi sang mô hình công ty để hoạt động chuyên nghiệp và đáp ứng quy mô lớn hơn. Mục tiêu ban đầu của công ty là đáp ứng nhu cầu vé (máy bay, tàu lửa, tàu cao tốc quốc tế...) cho các tour du lịch của Vietravel, hướng đến cung cấp cho các doanh nghiệp và cá nhân bên ngoài.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, hoạt động du lịch của công ty dựa trên 3 trụ cột chính: kinh doanh vé vận chuyển - dịch vụ - nhà vận chuyển. Trong đó, bộ phận kinh doanh vé đóng vai trò gần như chủ đạo trong hệ sinh thái Vietravel.
"Vấn đề vé quan trọng với Vietravel như một cái yết hầu", ông Kỳ đánh giá.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel.
Bước phát triển đột phá
Số liệu của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho thấy, trong năm 2018, vận chuyển hành khách qua các sân bay tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ khi đạt 104 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Trong năm nay, đơn vị dự báo lượng hành khách thông qua các sân bay (bao gồm sản lượng vận chuyển khách quốc tế của sân bay quốc tế Đà Nẵng và sân bay quốc tế Cam Ranh) ước đạt 112 triệu lượt, tăng 8,2% so với năm trước.
Tổng cục Du lịch ước tính, hơn 80% du khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không. Riêng tại Vietravel, lượng khách di chuyển bằng máy bay cũng chiếm khoảng 80%.
Từ nguồn khách sẵn có của Vietravel kết hợp với dư địa rộng lớn của mảng hàng không trong nước, định hướng của Worldtrans là xác lập vị thế dẫn đầu trên thị trường cung cấp vé máy bay trên cả nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Kỳ, hoạt động những năm đầu thành lập của công ty không đạt như mong đợi. Đến năm 2017, Vietravel vẫn phải cho Worldtrans vay 50 tỷ đồng không lãi suất, để hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp.
Nói về vấn đề này, ông Kỳ thừa nhận một phần đến từ định hướng ban đầu của ban lãnh đạo chưa rõ ràng. Từ năm 2018, công ty mẹ đã xác định lại vai trò của Worldtrans trong hệ sinh thái Vietravel Group nói riêng và thị trường cung cấp vé máy bay cả nước nói chung, với những giải pháp đột phá.
Theo đó, công ty mẹ quyết định chuyển toàn bộ mảng dịch vụ hàng không cho Worltrans. Đây là lợi thế rất lớn, giúp công ty thành viên thừa hưởng tập khách hàng đông đảo và có thế mạnh trong đàm phán với các hãng hàng không.
Worldtrans cũng làm "cuộc cách mạng" trong chính sách lương thưởng dành cho nhân viên, giúp thu nhập bình quân của người lao động trong năm 2018 tăng 20% so với năm 2017. Nhờ đó, công ty có thể giữ chân và thu hút thêm nhiều nhân tài, phục vụ cho mục đích phát triển.
Cơ cấu người lao động có sự điều chỉnh rõ rệt. Nhân sự trực tiếp kinh doanh từ chỗ chiếm 51% đã tăng lên 72%. Ngược lại, lao động hỗ trợ từ 49% xuống còn 28%, giúp giảm áp lực lên chi phí cố định.
Đầu tháng 10/2018 vừa qua, đơn vị đã khai trương sàn vé máy bay - Worldtrans Global Air Ticket, hướng đến trở thành sàn lớn nhất Việt Nam. Sàn hướng đến thị trường đại chúng, với mục tiêu đưa tỷ trọng khách lẻ lên chiếm 70% tổng nguồn khách phục vụ.
Trên cơ sở liên kết với các công ty hàng không, sàn vé đóng vai trò như một ngân hàng thông tin chuyến bay hoàn chỉnh, giúp khách hàng dễ dàng so sánh, đối chiếu giá vé từng chặng bay của nhiều hãng bay khác nhau. Ngoài ra, người dùng còn có thể dễ dàng tiếp cận đội ngũ 50 tư vấn viên chuyên nghiệp, quy trình đặt vé đơn giản, thủ tục thanh toán linh hoạt và dịch vụ sân bay chất lượng.
Kết quả, trong năm vừa qua, chỉ tính riêng doanh thu vé từ lượng khách do Vietravel chuyển qua đã lên đến 3.000 tỷ đồng. Nếu tính cả hệ thống kinh doanh riêng của Worldtrans, doanh thu thuần là khoảng 3.500 tỷ đồng. Công ty đã liên kết, hợp tác với 53 hãng hàng không trong nước và quốc tế cùng hơn 100 đại lý phủ khắp cả nước. Tập khách hàng doanh nghiệp lớn, không tính Vietravel, đã lên đến gần 200. Từ chỗ liên tục nhận hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ, Worldtrans đã có thể tự hạch toán và chủ động kinh doanh.
Với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10-15%, ông Vũ Đức Biên - Phó tổng giám đốc Vietravel kiêm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Worldtrans, ước tính, doanh thu từ mảng khai thác vé của Vietravel có thể đạt 4.000-4.200 tỷ đồng trong năm nay. Mục tiêu của doanh nghiệp là thu về 6.100 tỷ đồng vào năm 2023.
"Nhìn trên thị trường các công ty lớn nhất về vé của Việt Nam, tôi chưa nghĩ có công ty nào đạt được doanh số lớn như vậy. Đây là cơ sở để chúng tôi tự tin Worldtrans là sàn vé máy bay lớn nhất cả nước", ông Biên khẳng định.

Ông Vũ Đức Biên - Phó tổng giám đốc Vietravel kiêm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Worldtrans.
Hiện tại, công ty đang đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, nhằm điện tử hóa sàn vé. Bên cạnh cung cấp nền tảng phục vụ các giải pháp về vé cho 50 văn phòng, chi nhánh Vietravel trong và ngoài nước, Worldtrans sẽ tự kinh doanh, dựa trên việc đặt vé giá sỉ của các hãng hàng không để bán lại cho các công ty du lịch hoặc khách hàng cá nhân.
Sắp tới, hệ thống Worldtrans còn cung cấp các combo sản phẩm, kết hợp vé máy bay với một dịch vụ nào đó để khách hàng có thể xem xét và đặt ngay trên sàn. Chẳng hạn, một khách hàng từ Hà Nội đặt vé máy bay vào TP HCM, có thể chọn thêm dịch vụ ôtô để từ đó đi về các tỉnh chưa có sân bay hoặc kết nối với một khách sạn...
Hoàn thiện hệ thống dịch vụ Vietravel
Bên cạnh thế mạnh trong lĩnh vực du lịch, những năm gần đây, Vietravel nổi lên như một "ông lớn" trong mảng khai thác các chuyến bay thuê bao nguyên chuyến (charter flight). Đây là các chuyến bay do đơn vị phối hợp với các hãng hàng không tổ chức để kết nối điểm du lịch với các sân bay nhỏ - nơi chưa có đường bay định kỳ. Chẳng hạn như đường bay Cần Thơ - Đà Lạt, Cần Thơ - Nha Trang, Cần Thơ - Bangkok (Thái Lan), Vinh - Bangkok, Huế - Bangkok...
Theo đại diện Vietravel, hầu hết các chuyến bay này đều cất cánh với tỷ lệ lắp đầy trên 80%, nhiều chuyến thậm chí đạt 100%. Sau thành công của doanh nghiệp, nhiều hãng hàng không đã mở đường bay định kỳ trên các đường bay charter của Vietravel, chẳng hạn tuyến TP HCM - Phuket (Thái Lan), Đà Nẵng - Jeju (Hàn Quốc)...
Sau các chuyến bay charter và việc thành lập sàn bán vé máy bay, mới đây, Vietravel lại gây xôn xao khi công bố kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực điều hành bay. Hiện, Vietravel Airlines - hãng hàng không do đơn vị đề xuất thành lập - đã được cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp và đang trong quá trình xin cấp phép kinh doanh vận tải hàng không. Tuy nhiên, công ty không có ý định đợi mà sẽ vận hành ngay trong năm 2019 dựa trên việc khai thác khách đặt tour sẵn có của Vietravel. Như vậy, Vietravel Airlines sẽ tự tổ chức các chuyến charter cho Vietravel, thay vì đặt qua một hãng hàng không khác.
Trong định hướng này, Vietravel chịu trách nhiệm tập hợp lượng khách đặt mua tour charter, còn Worldtrans đóng vai trò khai thác và lấy khách bên ngoài. Lúc này, sàn vé sẽ có thêm thế mạnh là bán vé những chuyến mà không một đại lý nào khác có, bởi nó do Vietravel tự thiết kế.
Theo các chuyên gia trong ngành, lữ hành là mảng có tỷ suất lợi nhuận thấp nhất trong toàn bộ chuỗi giá trị của du lịch. Trong danh sách top "10 Công ty du lịch, lữ hành uy tín năm 2018" của Vietnam Report, Vietravel giữ vị trí đầu tiên, với doanh thu đạt 7.476 tỷ đồng, phục vụ gần 852.000 khách (tăng 10% so với năm 2017). Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp lại thấp hơn nhiều so với các đơn vị đứng vị trí tiếp theo. Nguyên nhân, trong khi cơ cấu doanh thu của Vietravel đa phần dựa vào mảng lữ hành thì các doanh nghiệp đối thủ lại có nguồn thu lớn từ các dịch vụ khác trong ngành du lịch như đầu tư vào các khách sạn, kinh doanh nhà hàng, kinh doanh địa ốc, taxi...
Tuy nhiên, những bước đi gần đây của hãng lữ hành đã cho thấy nỗ lực vượt qua điểm yếu này. Trong 3 trụ cột chính mà ông Kỳ đã chia sẻ ở trên, hiện tại, doanh nghiệp đã có Worldtrans dần vươn lên vị trí dẫn đầu về cung cấp vé vận chuyển; xí nghiệp vận tải Liên Á, đội tàu biển Phú Quốc và sắp tới là Vietravel Airlines chịu trách nhiệm là nhà vận chuyển. Riêng trong mảng dịch vụ, ngoài dịch vụ lữ hành, đơn vị cũng đã mua lại cổ phần của một số khách sạn, nhà hàng trên cả nước, từng bước khép kín chuỗi giá trị ngành du lịch.
"Với bệ đỡ là lượng khách dồi dào của Vietravel và thị trường hàng không đang rộng mở, Worldtrans cũng như Vietravel Airlines chắc chắn sẽ có vị trí vững chắc và phát triển độc đáo của riêng mình", ông Kỳ tin tưởng.