Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên vừa công bố, doanh thu thuần của công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 545 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn bán hàng chỉ giảm hơn 26%, vẫn còn gần 686 tỷ đồng khiến Vietravel lỗ gộp 140,3 tỷ đồng.
Chi phí tài chính của ông lớn ngành du lịch này trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh hơn 42% lên 65,6 tỷ đồng. Các chi phí khác như bán hàng, quản lý doanh nghiệp cũng tăng nhẹ lên lần lượt 10,7 tỷ và 122,8 tỷ đồng. Do vậy, Vietravel ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 293,3 tỷ đồng, tăng gần 220 tỷ so với nửa đầu năm ngoái.
Đến hết quý II, tổng tài sản của Vietravel đạt 1.922 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn 1.565 tỷ đồng, tài sản dài hạn 356 tỷ đồng. Đối ứng bên phía nguồn vốn là nợ phải trả 2.040 tỷ, vốn chủ sở hữu âm hơn 118 tỷ đồng. So với đầu năm, nợ ngắn hạn của Vietravel tăng 357 tỷ lên 2.022 tỷ đồng.
Do khoản lỗ luỹ kế đến cuối kỳ hơn 326 tỷ và nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 456 tỷ đồng, đơn vị kiểm toán lưu ý các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn này.
Mới đây, Vietravel đã quyết định sẽ tái cấu trúc lại toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh theo mô hình là một holdings - nắm giữ vốn của các công ty khác. Công ty cũng vừa khởi động hơn 30 văn phòng bán tour và dịch vụ du lịch trên toàn quốc.
Doanh nghiệp này đồng thời có kế hoạch tăng vốn đầu tư cho Vietravel Airlines từ 700 tỷ lên 1.300 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025. Hãng bay của Vietravel đã mở bán vé trở lại sau 3 tháng "ngủ đông" và thực hiện chuyến bay đầu tiên kể từ 19/12.
Do chậm công bố báo cáo bán niên 2021 soát xét, cổ phiếu VTR của Vietravel đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đưa vào diện hạn chế, chỉ được giao dịch phiên thứ 6 kể từ ngày 8/12. Trước đó, mã này cũng bị dừng giao dịch 3 phiên từ ngày 3/12.
Anh Tú