"Tôi vừa nhận được giấy phép bay hôm qua, nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 18/12 tới", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT và Nhà sáng lập Vietravel công bố chiều 15/10 tại Diễn đàn kinh doanh "Xuyên qua vùng nhiễu động" do Forbes Việt Nam tổ chức.
Trước đó, ngày 3/4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng.
Hãng đặt trụ sở chính tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế) với mục tiêu cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế, với mục tiêu có một triệu lượt khách trong năm đầu.
Lý giải về việc bay sớm, ông Kỳ cho biết Covid-19 buộc Vietravel phải tái cấu trúc doanh nghiệp về hoạt động vận hành và bộ sản phẩm, để phù hợp với thị trường. Trong đó, Vietravel đang "toàn tâm toàn ý" tập trung cho thị trường nội địa.
Theo kế hoạch trước đó, Vietravel Airlines sẽ có 3 máy bay trong năm đầu tiên, sau đó tăng dần lên 8 tàu bay vào năm thứ năm khai thác. Do tình hình hiện tại, hãng trước mắt sẽ bay nội địa, chủ yếu phục vụ các tour du lịch của công ty, bên cạnh phần nhỏ là khách thương mại.
"Chúng tôi bay nội địa trước, hướng đến thị trường 100 triệu dân này. Vì thực tế, đây không phải là thị trường nhỏ. Đơn cử, chỉ doanh thu lữ hành nội địa tháng 7 của công ty đã bất ngờ cao hơn trước dịch. Nếu đánh đúng nhu cầu của khách Việt Nam, họ sẽ cho chúng ta cơ hội phục hồi", ông Kỳ đánh giá.
Tuy nhiên, qua 9 tháng đầu năm, Vietravel vẫn bị tác động rất nặng nề. Ông Kỳ xác nhận bị ảnh hưởng cả 3 mảng: inbound (đón khách quốc tế vào), outbound (tổ chức tour du lịch quốc tế) và nội địa. Tổng lượt khách giảm bình quân 70%, doanh thu chỉ còn tầm 20-22% so với cùng kỳ năm ngoái, mức suy giảm chưa từng có kể từ năm 1997.
Người đứng đầu Vietravel cho biết sẽ cố gắng giữ 80-90% lượt khách nội địa của công ty. "Tôi cho là tình hình sẽ rất khó khăn từ đây đến đầu năm 2022. Thị trường quốc tế sẽ chỉ trở lại vào mùa thu năm sau nên công ty xác định sẽ tiếp tục sống bằng thị trường trong nước", ông Kỳ chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông, một vấn đề rất lớn là chính phủ cần tái định vị lại thị trường nội địa vì ông thấy chính sách với ngành hiện nay để đẩy nó thành kinh tế mũi nhọn chưa ổn, nên các doanh nghiệp trong ngành rất dễ bị tổn thương.
Viễn Thông