Bưu điện Việt Nam từng bước triển khai chuyển đổi số từ khá sớm, thông qua các dự án, đề án gắn với Chính phủ điện tử, Chính phủ số và ứng dụng các thành tựu kỹ thuật, công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Việc chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ sống còn của Bưu điện Việt Nam", ông Nguyễn Hải Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết.
Theo đó, đơn vị xây dựng nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode với hơn 23 triệu địa chỉ trên toàn quốc, ứng dụng vào chuyển phát, thương mại điện tử. Đồng thời nền tảng này cho phép doanh nghiệp khác tạo ra các cơ hội kinh doanh dịch vụ mới, tối ưu hóa các hoạt động vận hành.
Trong khi đó, lĩnh vực tài chính bưu chính là một trong những sản phẩm chủ lực. Vietnam Post hợp tác với một số ngân hàng, công ty công nghệ để phát triển nền tảng thanh toán điện tử giúp cho việc thanh toán và điều phối dòng tiền kịp thời, đa dạng hóa phương thức, nâng cao chất lượng phục vụ và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Đối với lực lượng bưu tá, công ty này ứng dụng phần mềm Pack &Send/DingDong hỗ trợ tác nghiệp và quản lý bưu gửi bắt đầu từ khi nhận dữ liệu, phân hướng phát đến khi kết thúc công đoạn phát. Với phần mềm này, việc phát và thu gom hàng hóa của hơn 16.000 bưu tá thuận lợi, chuyên nghiệp hơn, rút ngắn thời gian thanh toán thu hộ đối với khách hàng. Để quản lý đơn hàng, công ty ứng dụng My Vietnam Post với hơn 220.000 khách hàng sử dụng, đạt sản lượng hơn 22 triệu đơn/tháng.
Nhằm nâng cao năng lực hạ tầng, tiến tới tự động hóa sản xuất, doanh nghiệp này sở hữu hệ thống dây chuyền khai thác chia chọn tự động hiện đại bậc nhất Đông Nam Á với công suất hàng chục nghìn bưu kiện/giờ; khả năng phân hướng chính xác với nhiều loại kích cỡ khối lượng hàng hóa khác nhau. Nhờ công nghệ số, tốc độ tăng trưởng của công ty bình quân tăng 30% mỗi năm, đồng thời giúp giảm 70% lao động và 50% chi phí nhân công.
Trong lĩnh vực kinh doanh, Vietnam Post đã triển khai dự án công nghệ thông tin MPITS cung cấp nền tảng quản lý nghiệp vụ bán lẻ, thiết lập nền tảng kho lưu trữ dữ liệu hướng đến thay đổi toàn diện phương thức, cách thức điều hành sản xuất, kinh doanh và quản trị trong lĩnh vực phân phối bán lẻ.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, với mạng lưới gần 13.000 điểm phục vụ, trải rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi, biên giới hải đảo, đây được coi là thế mạnh, là sự khác biệt của Bưu điện Việt Nam. Chuyển đổi số có thể coi là công cụ giúp doanh nghiệp này trở nên phát triển hơn nữa trong dòng chảy chung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Văn Nam