Tại phiên đại hội bất thường sáng 29/12, cổ đông Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Hiện tại, Nhà nước sở hữu hơn 86,1% cổ phần tại Vietnam Airlines, cổ đông chiến lược ANA Holdings nắm 8,7%, còn lại là các tổ chức khác và nhà đầu tư cá nhân.
Theo đó, Vietnam Airlines sẽ phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines. Thời gian thực hiện dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, lãnh đạo hãng vẫn chưa tiết lộ mức giá phát hành cổ phiếu cho SCIC.
Vietnam Airlines cho biết, sẽ sử dụng 8.000 tỷ đồng này để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng. Hãng cam kết "tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh".

Cổ đông Vietnam Airlines biểu quyết thông qua tại đại hội cổ đông bất thường sáng 29/12. Ảnh: VNA.
Đồng thời, Vietnam Airlines cũng được phép kêu gọi cổ đông cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản tối đa 4.000 tỷ đồng trong 3 năm, với lãi suất ưu đãi như khoản vay từ nguồn tái cấp vốn theo quy định của Chính phủ trong năm 2021 và 2022.
Để đảm bảo minh bạch, bình đẳng giữa các cổ đông với doanh nghiệp hàng không khác, khoản chênh lệch chi phí lãi vay giữa mức lãi suất ngắn hạn thấp nhất Vietnam Airlines đang huy động trên thị trường và mức lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng từ nguồn tái cấp vốn dự kiến được vốn hóa hoặc một hình thức khác. Nếu được vốn hóa cho cổ đông tăng sở hữu tại Vietnam Airlines, mỗi cổ phiếu sẽ được phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng.
Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa ví dụ, nếu hãng vay 4.000 tỷ đồng, với khoản chênh lệch lãi là 3% mỗi năm, sau 3 năm, tổng số tiền lãi chênh khoảng 400 tỷ đồng sẽ được quy đổi thành cổ phiếu để tăng sở hữu của cổ đông tại Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines ước tính doanh thu hợp nhất cả năm 2020 ước đạt hơn 42.500 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ gần 33.000 tỷ đồng, đều vượt so với kế hoạch. Hai chỉ tiêu này đều vượt kế hoạch lần lượt 1.937 tỷ đồng (tương đương 4,8%) và 448 tỷ đồng (tương đương 1,4%).
Nhờ đó, mức lỗ của hãng hàng không quốc gia cũng giảm so với chỉ tiêu đề ra tại phiên họp thường niên hồi tháng 8. Cả năm nay, Vietnam Airlines dự kiến lỗ hợp nhất 14.445 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ ước lỗ hơn 12.000 tỷ đồng, ít hơn khoảng 2.420 tỷ đồng so với kế hoạch.
Với sự đồng hành của Chính phủ và khả năng ứng phó linh hoạt của doanh nghiệp trước khó khăn, Vietnam Airlines dự kiến phục hồi doanh thu và có lãi từ năm 2023 và hết lỗ lũy kế vào năm 2025.
Giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines đặt mục tiêu tập trung khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Hãng cũng triển khai phương án tái cơ cấu tổng thể, gồm tái cơ cấu sở hữu vốn và tài chính; tái cơ cấu lại tài sản và các danh mục đầu tư, cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp với các nghiệp vụ bán/bán và thuê lại (SLB) các tàu bay sở hữu.
Đồng thời, Vietnam Airlines sẽ thoái một phần vốn hoặc toàn bộ vốn tại một số doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không... nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền, xóa lỗ lũy kế, tạo nguồn tiền đầu tư phát triển.
Đại hội hôm nay cũng thông qua việc miễn nhiệm ông Dương Trí Thành, thành viên HĐQT vì hết nhiệm kỳ. Ông Lê Trường Giang, Chánh văn phòng Vietnam Airlines được bầu bổ sung vào HĐQT.
Anh Tú