Sau khi trừ đi giá vốn, Vietnam Airlines ghi nhận lãi gộp 929 tỷ đồng trong quý II/2023. Đây cũng là quý lãi gộp thứ hai liên tiếp của tổng công ty. Tuy nhiên do tính mùa vụ cũng như các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất... tổng công ty chưa có lãi sau thuế.
Xét về tăng trưởng, đây là quý thứ 7 liên tiếp doanh thu của Vietnam Airlines tăng so với cùng kỳ năm trước, phản ánh xu thế hồi phục của thị trường hàng không sau dịch cũng như những nỗ lực nhằm cải thiện kết quả kinh doanh.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng công ty đạt doanh thu hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt gần 2.900 tỷ đồng - khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ gộp nửa đầu năm ngoái.
Sau khi hạch toán hết các khoản chi phí, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 1.331 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay - bằng 1/4 so với 6 tháng đầu 2022. Khoản lỗ của quý II cũng giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do các công ty con kinh doanh có lãi và các doanh nghiệp vận tải giảm lỗ.
Tổng doanh thu và thu nhập khác quý II/2023 của công ty mẹ tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 23,5 %. Trong đó doanh thu quốc tế tăng mạnh nhờ thị trường khu vực châu Âu, Australia và Mỹ phục hồi tốt.
Tổng chi phí quý II của công ty mẹ tăng 11% (tương đương tăng 1.676 tỷ đồng) so với cùng kỳ đến từ chi phí giá vốn đi lên tương ứng với sản lượng.
Vì tốc độ tăng tổng doanh thu và thu nhập khác của quý II năm nay nhanh hơn so với tốc độ tăng tổng chi phí, dẫn đến công ty mẹ Vietnam Airlines lãi gộp về cung cấp dịch vụ đạt hơn 558 tỷ đồng; lỗ sau thuế giảm hơn 1.031 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Việc giảm lỗ nhờ vào sự phục hồi của thị trường vận tải thời gian qua. Trong bối cảnh đó, tổng công ty cũng chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, giảm thiểu chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ...
Trong 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines Group (gồm ba hãng là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) đã vận chuyển tổng cộng 11,8 triệu lượt khách nội địa cũng như quốc tế, tăng trưởng 28,2% so với nửa đầu 2022, chiếm gần 43% thị phần của hãng bay Việt Nam. Riêng Vietnam Airlines đã vận chuyển 9,94 triệu lượt khách, tăng trưởng 25,0% và chiếm 36,0% thị phần. Cả ba hãng vận chuyển hơn 100.000 tấn hàng hóa trong nửa đầu năm, chiếm hơn 65% thị phần hàng không Việt Nam.
Theo đại diện hãng, do tính mùa vụ, quý II là quý thấp điểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên kết quả không khả quan bằng quý I. Hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan. Các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả. Lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong báo cáo công ty mẹ và hợp nhất 6 tháng 2023 chỉ đạt trên 6,4% doanh thu.
Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như tăng cường thích nghi, cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh. Đơn vị sẽ tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam đã cơ bản hoàn tất phần lớn các thủ tục kiểm toán liên quan, để Vietnam Airlines có thể phát hành báo cáo tài chính kiểm toán 2022 thời gian tới.
Thảo Nguyên