Theo báo cáo tài chính vừa công bố, doanh thu hợp nhất quý II/2024 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức hơn 24.850 tỷ đồng, đương đương gần 1 tỷ USD.
Doanh thu của Vietnam Airlines tăng mạnh trong bối cảnh giá vé nội địa từ đầu năm đến nay tăng cao do các hãng thiếu hụt tàu bay, làm giảm tải cung ứng nghiêm trọng. Đồng thời, hoạt động khai thác thị trường quốc tế của hãng hàng không quốc gia cũng phục hồi tích cực, mạng đường bay đã quay về gần như trước đại dịch. Lượng khách quốc tế của hãng nửa đầu năm đạt gần 20 triệu lượt, tăng trên 40%.
Cả năm nay, hãng lên kế hoạch doanh thu hơn 105.900 tỷ đồng. Đây cũng là các mức cao nhất từ trước đến nay với doanh nghiệp hàng không này. Hôm nay, Vietnam Airlines cũng vừa nhận thêm một tàu bay Boeing 787-10, nâng tổng đội bay thân rộng lên 30 chiếc.
Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp này lãi hợp nhất sau thuế khoảng 1.034 tỷ đồng trong quý II, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 1.300 tỷ. Lũy kế nửa đầu năm, Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 53.100 tỷ, tăng xấp xỉ 20% so với năm 2023.
Lợi nhuận hợp nhất sau thuế của công ty ở mức trên 5.200 tỷ đồng. Vietnam Airlines giải thích mức lãi này cũng được đóng góp rất lớn từ việc Pacific Airlines được xóa nợ hơn 4.500 tỷ đồng.
Tương tự, kết quả kinh doanh của Vietjet nửa đầu năm nay cũng tăng trưởng mạnh. Tổng doanh thu của hãng bay chi phí thấp này tăng 15% lên hơn 34.000 tỷ đồng. Vietjet lãi hợp nhất trước thuế 1.300 tỷ đồng sau 6 tháng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines và Vietjet vẫn là hai hãng trong nước chiếm thị phần lớn nhất hiện nay với tỷ lệ lần lượt là 42% và 40%. Hệ số sử dụng ghế trung bình của hai ông lớn trên đạt khoảng 84%.
Sau nửa năm, tổng thị trường vận chuyển hành khách ước đạt 38,1 triệu lượt, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khách quốc tế khoảng 21 triệu, tăng hơn 44%, còn khách nội địa giảm hơn 19% xuống chỉ còn 17 triệu lượt.
Anh Tú