Thông tin này vừa được Chính phủ cho biết trong tờ trình gửi Quốc hội về phương án gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines.
Từ tháng 7 đến cuối năm 2021, Vietnam Airlines đã hoàn thành sử dụng gói vay vốn với tổng giá trị xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Đây là một trong hai giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho hãng hàng không quốc gia do ảnh hưởng của Covid-19 cùng 8.000 tỷ để tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Với gói vay 4.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines đã chi hơn 2.180 tỷ trả các hợp đồng thuê máy bay; gần 1.580 thuê động cơ, vật tư phụ tùng máy bay; 240 tỷ chi dịch vụ chuyến bay. Đến hết năm ngoái, hãng thanh toán đủ 220 tỷ đồng lãi vay cho các ngân hàng. Theo quy định tại Nghị quyết 135/2020 của Quốc hội và các hợp đồng tín dụng, Vietnam Airlines có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ dư nợ gốc từ tháng 7 đến tháng 12/2024.
Tuy nhiên, Chính phủ đang đề nghị Quốc hội về việc Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả với khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines. Theo đó, thời gian gia hạn dự kiến mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (đã gồm 2 lần được gia hạn theo Nghị quyết 135/2020).
Theo Chính phủ, Vietnam Airlines sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy, rủi ro lớn trong trường hợp không được gia hạn trả nợ khoản vay này. Đến hết tháng 5, tổng nợ vay của hãng khoảng khoảng 16.055 tỷ đồng, ước đến 30/6 là 15.604 tỷ đồng.
"Gia hạn khoản vay tái cấp vốn chỉ là một trong các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, nhưng đây là giải pháp có tính khả thi và phù hợp nhất hiện tại", Chính phủ nêu trong báo cáo.
Nếu không được gia hạn, Vietnam Airlines có thể mất khả năng thanh toán từ tháng 7/2024, có nguy cơ không thực hiện được cam kết của hãng với các bên cho thuê tàu bay, các đối tác cung cấp dịch vụ. Từ đó, hãng có thể bị kiện, giảm uy tín trước các đối tác.
Đồng thời, Vietnam Airlines cũng sẽ phát sinh các chi phí tài chính do không thể hoàn trả các khoản nợ và tiếp tục đơn phương giãn hoãn nợ với quy mô lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản. Điều này có thể tạo ra hệ lụy như các khoản vay mua tàu bay được Chính phủ bảo lãnh sẽ bị các tổ chức tín dụng yêu cầu Chính phủ trả nợ thay cho Vietnam Airlines. Đến 31/3, dư nợ vay bảo lãnh của Chính phủ là 331 triệu USD.
Về đề nghị này của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, tiếp tục khẳng định vai trò là hãng hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế lưu ý Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, tránh trường hợp quá gấp, không đúng thời hạn quy định để báo cáo Quốc hội xem xét điều chỉnh chương trình kỳ họp và cho ý kiến. Đồng thời, cơ quan của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của Vietnam Airlines.
Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ ở mức 80.984 tỷ đồng, thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng. Đây đều là các mức cao nhất từ trước đến nay của hãng bay này. Thời điểm đạt đỉnh doanh thu năm 2019, công ty cũng chỉ ghi nhận nguồn thu khoảng 72.980 tỷ đồng và hợp nhất 99.099 tỷ.
Hãng hàng không quốc gia lên kế hoạch thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) trong năm nay, giúp mang về nguồn thu khoảng 1.700 tỷ đồng. Nhờ thương vụ này và lợi nhuận các công ty con khác cải thiện, hãng đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trên 4.230 tỷ đồng.
Ba tháng đầu năm 2024, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công ty mẹ thu hơn 22.100 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi hãng chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.
Sau khi trừ các chi phí, công ty mẹ lãi khoảng 1.500 tỷ đồng. Còn lợi nhuận hợp nhất trong quý I hơn 4.500 tỷ đồng, chủ yếu nhờ phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines.
Anh Tú