![]() |
Nhóm tác giả Vietkey Linux. |
Tới dự lễ trao giải có Uỷ viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Phan Diễn; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban tổ chức Trung ương Trần Đình Hoan; Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tư tưởng - văn hoá Trung ương Nguyễn Khoa Điềm cùng đại diện lãnh đạo của nhiều ban ngành.
Nhà báo Lại Văn Sâm, Đài truyền hình VN, đã mở đầu bằng bức thư ngỏ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với lời chúc: Trí tuệ Việt Nam sẽ ngày càng được tôn vinh và phát triển để Việt Nam tiến nhanh hơn và sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới.
Tổng biên tập báo Lao Động, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Phạm Huy Hoàn, cho biết TTVN 2002 đã có bước tăng trưởng nhảy vọt về số lượng và chất lượng cũng như các ý tưởng và sản phẩm dự thi. Phần lớn sản phẩm đều bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống.
Sản phẩm đoạt giải nhất (trị giá 50 triệu đồng), Vietkey Linux, được ra đời xuất phát từ nhu cầu thực tế. Hệ điều hành có bộ cài đặt, cơ cấu đóng gói và phân phối theo cách thức riêng, không dựa vào bộ cài của RedHat như CMC và Tổng công ty điện tử VN đã làm trước đó.
Được gói gọn trong một đĩa CD, hệ điều hành này gồm tất cả thành phần cần thiết cho các ứng dụng văn phòng: Office (soạn thảo, bảng tính, trình chiếu), duyệt web, e-mail, multimedia, games Sản phẩm có giao diện đồ họa (từ bộ cài đặt, bộ quản lý nạp hệ điều hành đến các thành phần trong hệ thống) gần với Windows XP. Điều này giúp người dùng đang rất quen thuộc với các sản phẩm của Microsoft có thể chuyển đổi sang môi trường mới thuận tiện, đơn giản và giảm chi phí đào tạo.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, thành viên Ban giám khảo, cho VnExpress biết: Sản phẩm này có tính đột phá trước xu thế Việt Nam bắt đầu có thể tự chủ về hệ điều hành. Tuy thành công của nhóm tác giả Vietkey Linux còn ở phía trước, nhưng họ đã dám làm một việc rất xứng đáng được tôn vinh - xây dựng hệ điều hành Việt Nam đầu tiên. Theo ông Nam, ưu điểm vượt trội của Vietkey Linux là cách đặt vấn đề chuyên nghiệp và công sức thực hiện sản phẩm lớn.
Trần Việt Hùng, một thành viên của nhóm, tâm sự: Chúng em tham gia làm sản phẩm này từ năm 2000. Giành được giải nhất là một niềm vinh dự đối với nhóm. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện Vietkey Linux, giải quyết những khó khăn về vấn đề thuật ngữ, bổ sung các ứng dụng và xây dựng cộng đồng mã nguồn mở để sản phẩm được chuyên nghiệp hơn.
Giải nhì (30 triệu đồng) thuộc về nhóm tác giả Nguyễn Thành Long và Nguyễn Phú Bình (Hà Nội) với sản phẩm Hệ thống thu thập và tách thông tin ICPS.
Hai giải ba (mỗi giải 15 triệu đồng) được trao cho nhóm tác giả Trần Hữu Đức, Nguyễn Thành Hải và Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội) với Phần mềm nhận dạng âm thanh và bản nhạc guitar, và Điều khiển và giám sát hệ thống tín hiệu nhà ga và hệ thống đường ngang liên hoàn của hai thí sinh Hoàng Kiên Du và Nguyễn Việt Anh (Hà Nội)
Ba giải đặc biệt (mỗi giải 5 triệu đồng) thuộc về các sản phẩm: Easy NetPC của Trần Phượng Tường Như (Đồng Tháp) - giải Thực Tiễn Việt Nam; Hệ thống điện thoại truyền hình qua Internet (E4Meeting) của nhóm tác giả 5 người (Nguyễn Ngọc Huy làm trưởng nhóm) - giải Triển Vọng; Website ChàoViệtNam.com của Nguyễn Cao Trí (TP HCM) - giải Ấn Tượng.
![]() |
Thí sinh tật nguyền Nguyễn Hoàng Diệu (phải) với giải Nghị Lực. |
Ban tổ chức còn trao 3 giải khuyến khích cho các thí sinh: Nguyễn Hoàng Diệu (TP HCM - giải Nghị Lực trị giá 3 triệu đồng, với hai sản phẩm Pokemon Ard và Visual Ard), Vũ Hồng Phương (HN - giải Tiềm Năng 1 triệu đồng, với Phương pháp mã hoá, sắp xếp và tra tìm chữ Hán trên máy tính), và nhóm tác giả E4Meeting tiếp tục được nhận giải Hàng Không Việt Nam (mỗi người sẽ được tặng 1 vé máy bay khứ hồi đi bất cứ chuyến bay nào trong nước).
Ngoài ra, 10 suất học bổng Aptech (700 USD/suất) được trao cho các thí sinh:
1. Nguyễn Thị Kim Uyên (Đà Nẵng)
2. Đinh Quang Trung (Đà Nẵng)
3. Vũ Hồng Phương (Hà Nội)
4. Nguyễn Ngọc Quỳnh (Hà Nội)
5. Nguyễn Anh Quang (Hà Nội)
6. Nguyễn Cao Trí (TP HCM)
7. Nguyễn Trọng Phụng (Huế)
8. Nguyễn Ngọc Nam (TP HCM)
9. Đỗ Dũ Khánh (TP HCM)
10. Nguyễn Anh Tú (TP HCM)
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng chung khảo Bạch Hưng Khang, nhiều sản phẩm dự thi được xây dựng bằng những công nghệ tiên tiến mà ngành CNTT thế giới có được. Các sản phẩm đa dạng, bám sát vào nhu cầu thực tiễn của đất nước. Tuy nhiên, ông Khang cho rằng năm nay cuộc thi vẫn chưa xuất hiện những ý tưởng sáng tạo - tiêu chí hàng đầu của TTVN. Một số tác giả chưa đầu tư thích đáng cho việc hoàn thiện sản phẩm, chưa có được sự đỡ đầu hay chỉ dẫn về mặt công nghệ trong quá trình thực hiện, kỹ năng trình bày của người dự thi chưa được nhuần nhuyễn. Đặc biệt là chưa có sản phẩm của tác giả nữ lọt vào vòng chung kết.
Cũng ngay tại lễ trao giải, ông Phạm Huy Hoàn đã chính thức phát động cuộc thi TTVN 2003. Thể lệ cuộc thi mới sẽ được công bố vào đầu tháng 3/2003 với hy vọng sẽ gặt hái được vụ mùa bội thu hơn.
Thanh Tú