Thứ ba, 26/1/2021, 16:00 (GMT+7)

Năm 2020, hàng không là một trong những ngành kinh tế chịu hệ quả nặng nề nhất từ Covid-19. Với nỗ lực không ngừng và những chiến lược kinh doanh hợp lý qua từng giai đoạn, Vietjet đã ghi lại những dấu ấn tích cực trong suốt một năm qua.

Năm 2020, Vietjet chào mừng hành khách thứ 100 triệu, đánh dấu sự phát triển thần tốc và bền vững của hãng hàng không thế hệ mới, đặt khách hàng làm trọng tâm. Thời điểm này, hãng hàng không tăng tốc khai mở thị trường quốc tế tại Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hong Kong, Bali (Indonesia)...

Khi Covid-19 bùng phát, Vietjet phối hợp cơ quan chức năng thực hiện những chuyến bay giải cứu. Các quy định về khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, bố trí khu cách ly, phun khử trùng, phân chia khu vực làm thủ tục ở các đầu sân bay được tuân thủ chặt chẽ.

Cùng với việc thúc đẩy hoạt động khai thác nội địa, chuẩn bị cho mùa hè sắp tới, những "người hùng thầm lặng" của Vietjet bắt đầu vào vị trí cho những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách - những chuyến bay giải cứu, hồi hương.

Linh hoạt trong khai thác, Vietjet chuyển hướng sang tăng cường vận chuyển hàng hóa, thiết bị y tế, thuốc men đến các khu vực tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ đang làm nhiệm vụ. Vận tải hàng hóa nhanh chóng trở thành một hoạt động khai thác chính trong Covid-19, tạo nguồn doanh thu đáng kể cho hãng. Vietjet trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam được phê duyệt vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách - CIPC.

Hãng hàng không này ra mắt thẻ bay không giới hạn Power Pass và Power Pass Skyboss được nâng cấp, tạo sự tiện lợi, linh hoạt cho hành khách khi di chuyển trong thời dịch. Hãng cũng tiếp tục ra mắt hạng vé Skyboss nâng cấp và hạng vé mới Deluxe trên toàn mạng bay với nhiều ưu đãi giá trị vượt ra khỏi những quyền lợi truyền thống.

Tháng 10/2020, những đợt bão lớn lần lượt đổ bộ vào miền Trung gây thiệt hại cả người lẫn tài sản. Nhiều tỉnh và thành phố ở miền Trung, đặc biệt là Huế đã bị cô lập, không có điện, không thức ăn, không nước sạch.

Trong hoàn cảnh đó, Vietjet đã nhanh chóng cho cất cánh những chuyến bay chuyên chở hàng trăm nghìn tấn lương thực, nhu yếu phẩm, thiết bị y tế và đưa hàng chục đoàn công tác, cơ quan chức năng đến miền Trung miễn phí, kịp thời ứng cứu đồng bào đang gặp nạn.

Các đầu sân bay không ngừng nhận hàng cứu trợ, phi hành đoàn liên tục lên đường, hướng về miền Trung bất kể thời tiết mưa bão, gió rét. Các bộ phận khẩn trương hoạt động hết công suất bất kể ngày đêm.

Bên cạnh đó, Vietjet đưa ra chương trình "Bay cùng Vietjet - chung tay ủng hộ 10.000 đồng một vé cho đồng bào miền Trung". Toàn thể cán bộ, nhân viên tại Vietjet cũng tổ chức quyên góp thông qua nhiều hình thức khác nhau tiền mặt, trích quỹ lương, tình nguyện bay miễn phí hay gửi hàng cứu trợ.

Duy trì hoạt động kinh doanh và đảm bảo an toàn sức khỏe cho hành khách, Vietjet khai trương đồng loạt 8 đường bay mới, kết nối các thành phố du lịch như Đà Nẵng với Phú Quốc, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Vinh, Thanh Hóa; thủ đô Hà Nội với Đồng Hới; Hải Phòng với Quy Nhơn (Bình Định); và Vinh với đảo ngọc Phú Quốc...

Phối hợp với các địa phương kích cầu du lịch, vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục nền kinh tế, hãng hàng không này cũng tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi giá trị.

Cuối tháng 9, Trung tâm Khai thác Mặt đất Vietjet (VJGS) đi vào hoạt động tại sân bay quốc tế Nội Bài. Điều này giúp hãng quản lý tốt chi phí vận hành, đồng bộ nhận diện thương hiệu và nâng cao chất lượng phục vụ cho mỗi chuyến bay. Đầu tư nhân lực chất lượng cao cùng cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, VJGS được xem là một trong những dự án lớn nhất của hãng trong năm 2020.

Bên cạnh việc duy trì mở các chuyến bay giải cứu hơn 15.000 công dân Việt Nam hồi hương, Vietjet tham gia vào nhiều hoạt động thiện nguyện như miễn phí vận chuyển hàng hóa cứu trợ và ủng hộ 10.000 đồng trên mỗi vé bán được để hỗ trợ người dân miền Trung bị lũ lụt; triển khai chương trình thường niên "Tết ấm cho em" giúp đỡ trẻ em vùng sâu vùng xa, tiếp tục các học bổng vì sự nghiệp giáo dục và tặng hơn 2,5 triệu khẩu trang cho người dân các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ...

Người "truyền lửa" cho tinh thần vì cộng đồng này của Vietjet là nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet. Bà cũng là người được bình chọn là một trong 100 nhân vật châu Á trong hoạt động thiện nguyện của năm 2020.

Nỗ lực không ngừng để trụ vững qua đại dịch, Thai Vietjet trở thành hãng hàng không tăng trưởng nhanh nhất 2020 tại xứ sở Chùa Vàng khi liên tục mở rộng thị trường, kết nối các thành phố lớn như Chiang Mai, Surat Thani, Khon Kaen, Ubon Ratchathani, Nakhon Si Thammarat...

Tại Việt Nam, hãng vẫn tiếp tục phát huy lợi thế của một hãng hàng không chi phí thấp trụ vững trong đại dịch với kết quả tài chính tích cực. Vietjet là một trong số rất ít các hãng hàng không trên thế giới có kết quả tài chính hợp nhất dương trong năm 2020, đảm bảo duy trì việc làm cho hơn 6.000 nhân viên đến từ hơn 50 quốc gia trên thế giới và không có ca nhiễm Covid-19 trong quá trình khai thác.

Trong suốt năm 2020 và bước sang năm 2021, Vietjet đã và đang dành thời gian, ngân sách để củng cố tổng lực nguồn lao động chất lượng cao, đầu tư mạnh vào hệ thống bảo dưỡng kỹ thuật, tiếp tục đẩy mạnh công tác huấn luyện phi công, tiếp viên, đồng loạt chuyển đổi số và chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, sẵn sàng trở lại bầu trời khi các chuyến bay thương mại quốc tế được nối lại, cũng như đáp ứng tối đa nhu cầu di chuyển nội địa trong các đợt cao điểm sắp tới một cách an toàn.

Minh Anh
Thiết kế:
Tấn Nguyễn