Nghi thức ký kết diễn ra tại điện Elysée, Paris, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng đoàn đại biểu cấp cao hai nước.
Theo thỏa thuận, 400 động cơ mới dành riêng cho hai đơn hàng tàu bay đã công bố năm 2016, 2018, dự kiến giao 2025. Vietjet là khách hàng lâu năm của CFM International - liên doanh giữa Safran Aircraft Engines và GE Aerospace, hiện khai thác 56 chiếc Airbus A321ceo cùng 17 chiếc A320ceo trang bị động cơ CFM56-5B.
Đôi bên nhận định sự kiện này đưa mối quan hệ Vietjet - CFM lên tầm cao mới. Khai thác động cơ LEAP, Vietjet có thể đáp ứng chiến lược tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa chi phí vận hành trên loạt tàu bay tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời giúp hành khách có trải nghiệm bay tốt nhất.
Ông Gaël Méheust, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc CFM International, nhấn mạnh hơn thập niên qua, đơn vị hợp tác chặt chẽ Vietjet Air, giới thiệu các chương trình hỗ trợ quản lý kỹ thuật, đào tạo và cải thiện hiệu quả nhiên liệu cho đội bay CFM56 của hãng. Họ cũng mong muốn mở rộng hoạt động này sang động cơ LEAP-1B mới.
"Chúng tôi vinh dự khi được Vietjet tin tưởng và hoan nghênh cơ hội hợp tác này, qua đó củng cố hơn nữa mối quan hệ đặc biệt, hướng đến kết quả tốt đẹp sắp tới", ông Gaël Méheust nói thêm.
Đại diện doanh nghiệp Pháp lý giải động cơ LEAP cung cấp mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng CO2 thấp hơn 15-20%, cải thiện đáng kể tiếng ồn so với thế hệ trước. Với hơn 3.500 tàu bay trang bị LEAP đang hoạt động, đối tác của CFM tránh xả hơn 35 triệu tấn CO2.
Ông Gaël Méheust cũng khẳng định động cơ LEAP là sáng tạo đặc biệt nhất của doanh nghiệp trong lịch sử 50 năm, tốc độ tăng giờ bay nhanh nhất từ trước đến nay, vượt 60 triệu giờ trong 8 năm.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet, nói trân trọng mối quan hệ chiến lược đôi bên. Nhờ những nhà sản xuất động cơ như Safran, CFM, hãng mới có thể mang lại cơ hội bay chi phí tiết kiệm cho hàng triệu người, đóng góp tích cực cho ngành hàng không châu Á - Thái Bình Dương lẫn Việt Nam.
"Vận hành động cơ tiết kiệm nhiên liệu nằm trong cam kết của chúng tôi, hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Hành khách sẽ hưởng lợi nhiều hơn nữa trên những chuyến bay xanh", bà Phương Thảo cho hay.
Kể từ khi thiết lập quan hệ song phương, Việt Nam - Pháp đạt nhiều con số ấn tượng. Trong đó, hợp tác lâu dài giữa Vietjet - Safran/CFM đóng góp vào kim ngạch thương mại, thúc đẩy du lịch, đầu tư chung giữa hai quốc gia, đồng thời tạo thêm việc làm cho người dân Pháp.
Cũng theo bà Phương Thảo, Vietjet - Safran hợp tác trên nhiều khía cạnh, không đơn thuần cung cấp động cơ, mà mở rộng đa mảng như ghế máy bay, nội thất buồng, dịch vụ đào tạo quản lý kỹ thuật, cơ hội thành lập các tổ hợp sửa chữa bảo dưỡng công nghệ cao... Qua đó hai bên hướng tới xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ hàng không, đưa Việt Nam thành trung tâm hàng không trong khu vực.
CFM International thành lập năm 1974, là liên doanh giữa GE Aerospace và Safran Aircraft Engines, hiện cung cấp động cơ máy bay thương mại hàng đầu. Doanh nghiệp có những dòng sản phẩm thiết lập tiêu chuẩn của ngành về hiệu quả, độ tin cậy, độ bền và tối ưu chi phí sở hữu.
Vietjet là thành viên của IATA, sở hữu chứng nhận IOSA, được AirlineRatings xếp hạng 7 sao - cao nhất về an toàn hàng không. AirFinance Journal vinh danh đơn vị trong top 50 hãng hàng không tốt nhất toàn cầu về hoạt động, sức khỏe tài chính hồi 2018, 2019. Vietjet cũng liên tục nhận giải hãng bay chi phí thấp tốt nhất của Skytrax, CAPA, AirlineRatings...
Đông Vệ