Hãng hàng không Vietjet Air vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải một số nội dung theo dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các chặng bay nội địa mà Bộ đang xây dựng.
Hãng này cho rằng, dự thảo Thông tư có sự điều chỉnh theo hướng quy định cả mức giá tối thiểu (giá sàn) và giá tối đa (giá trần) sẽ tạo ra nhiều bất cập và tác động tiêu cực như không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, các cam kết thương mại quốc tế và không đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, không thúc đẩy thị trường hàng không phát triển.
Cụ thể, dự thảo chưa xem xét, đánh giá cẩn trọng và toàn diện tác động đối với các hãng hàng không tư nhân. Chính sách này chỉ giải quyết khó khăn cho hãng hàng không quốc gia là doanh nghiệp nhà nước mà không đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng với hãng bay tư nhân.
Theo Vietjet, việc quy định giá sàn vé máy bay chỉ mang lại lợi ích cho các hãng hàng không truyền thống như Vietnam Airline, vì là hãng có tỷ trọng lớn doanh thu từ việc bán vé hạng thương gia và hạng phổ thông đặc biệt, nhóm khách hàng này ít bị tổn thương hơn và vẫn có khả năng chi trả ổn định trong và sau đại dịch.
Trong khi đó, nếu áp giá sàn sẽ ngăn cản cơ hội tiếp cận dịch vụ hàng không của các nhóm khách hàng thu nhập thấp, cũng là đối tượng phục vụ chính của Vietjet, gây nguy cơ giảm sút doanh thu đối với hãng và các đơn vị phục vụ sân bay. Hãng đã mang đến khoảng 40% doanh thu cho doanh nghiệp sân bay, thúc đẩy các dịch vụ như kỹ thuật mặt đất, cung cấp nhiên liệu phát triển.
Như vậy, chính sách giá sàn có sự phân biệt đối xử với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, gây tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không.
Vietjet Air cho rằng quy định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cần phải đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ vận chuyển của mọi tầng lớp nhân dân, gồm cả người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội. Việc áp giá sàn vé máy bay sẽ làm tăng giá vé, hạn chế người nghèo, người thu nhập thấp được quyền tiếp cận, thụ hưởng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu, đi ngược với chủ trương của Nhà nước về quan tâm, hỗ trợ người nghèo.
Mức giá sàn được đề xuất tương đương giá cao nhất của vận chuyển đường sắt và gấp hai lần vé đường bộ sẽ tác động trực tiếp đến khả năng chi trả của người dân. Điều này dẫn đến việc hạn chế khả năng phục hồi thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam và thị trường cung cấp hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hàng không sau đại dịch.
Ngành du lịch cũng sẽ ảnh hưởng bởi hãng hàng không phải nâng giá vé máy bay, làm tăng chi phí dịch vụ du lịch. Việc tăng giá vé máy bay tác động đến nhiều doanh nghiệp du lịch khi lượng khách tham gia hàng không giảm mạnh, đánh mất kỳ vọng, năng lực thu hút của quốc gia về du lịch. Không những làm khách nội địa giảm mà lượng khách quốc tế cũng giảm theo do chi phí du lịch tăng cao, kém cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Việc quy định giá sàn theo Vietjet Air còn đi ngược lại với các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định quốc tế, tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nêu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư. Doanh nghiệp có quyền tự quyết định trong hoạt động kinh doanh và không có sự can thiệp hành chính của Nhà nước, ngoại trừ trường hợp thực hiện mục tiêu chính sách công.
Vietjet Air cho rằng, việc ban hành các chính sách về giá vận chuyển hành khách cần đảm bảo các yếu tố phù hợp quy định của pháp luật hiện hành, các nguyên tắc thương mại quốc tế, quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy sự phục hồi của các thị trường vận chuyển hàng không,...
Trước các vấn đề trên, Vietjet kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải không quy định giá sàn vé máy bay trên các tuyến nội địa để người dân có thu nhập thấp và trung bình có cơ hội đi máy bay với nhiều mức giá từ thấp đến cao, tạo điều kiện cho ngành hàng không và du lịch có điều kiện phục hồi.
Trái với ý kiến của Vietjet Air, tại toạ đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia kinh tế ngày 27/9 của Văn phòng Quốc hội, ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch VietnamAirlines, cho rằng, với mức giá vé máy bay thấp sẽ ảnh hưởng tới an toàn hàng không trong khi ngành này cần tiêu chuẩn cực kỳ cao. "Nếu các hãng hạ giá vé thấp hơn cả giá xăng dầu cho một chuyến bay sẽ ảnh hưởng tới chi phí an toàn hàng không, nguy cơ sự cố an toàn hàng không và ảnh hưởng tới quốc gia", ông Hoà nói thêm.
Ngoài ra, việc hạ giá vé máy bay sẽ khiến cho tất cả các hãng hàng không đều yếu. "Chúng tôi rất lo ngại sau khi dịch phục hồi thì sức khỏe của các hãng hàng không không đủ để cạnh tranh với nhau, chứ chưa nói gì chuyện ra khu vực và quốc tế", ông Hòa nhấn mạnh.
Cuối tháng 8, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, Cục Hàng không đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định, thời gian áp dụng là 12 tháng, từ 1/11 năm nay đến hết ngày 31/10 năm sau.
Cụ thể, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 320.000 đồng một vé mỗi chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng một vé mỗi chiều; nhóm đường bay khác dưới 500km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.
Với các đường bay từ 500-850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng. Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng. Với đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động trực tiếp của chính sách.