Cuộc gặp gỡ diễn ra tại hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP28). Tham dự sự kiện, VietinBank đã họp song phương và thảo luận với các đối tác lớn nhằm chung tay thúc đẩy tài chính khí hậu - một trong bốn trọng tâm xuyên suốt của COP28.
Chia sẻ kinh nghiệm về tài chính bền vững
Trong bối cảnh tài chính bền vững tại Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển, việc tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những tổ chức tài chính lớn, có uy tín, hoạt động đa quốc gia với nhiều kinh nghiệm là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, các nội dung như tình hình thị trường tài chính bền vững trên thế giới; thị trường tín chỉ carbon; cập nhật chính sách của các quốc gia có thể tác động đến chiến lược và kế hoạch hoạt động của ngân hàng trong lĩnh vực phát triển bền vững... cũng được chia sẻ và thảo luận tại các cuộc gặp gỡ song phương.
VietinBank đang xây dựng Khung tài chính bền vững nhằm đưa ra các hướng dẫn cụ thể cho việc tài trợ và quản lý các khoản tài trợ phát triển bền vững.
Chung tay huy động vốn bền vững
Việt Nam với đặc thù có hơn 3.200 km bờ biển cùng nhiều tỉnh, thành phố và vùng đồng bằng ven sông có địa hình trũng thấp, là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Theo Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam do World Bank phát hành, dự kiến, Việt Nam cần đầu tư khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040 để thực hiện lộ trình thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng 0.
Do đó, nguồn lực tài chính từ ngân hàng không chỉ là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế mà còn là đòn bẩy thúc đẩy việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải ròng bằng 0.
Hợp tác để thu xếp huy động vốn phục vụ các dự án xanh; dự án mang lại lợi ích cho xã hội cũng là một trọng tâm được trao đổi trong các cuộc gặp song phương giữa VietinBank và MUFG, Standard Chartered. Đặc biệt, MUFG sẽ hỗ trợ ngân hàng thu xếp khoản tài trợ vốn lên tới một tỷ USD cho phát triển bền vững.
Hợp tác phát triển bền vững
VietinBank đã phát triển các sản phẩm đặc thù dành cho lĩnh vực phát triển bền vững như tài trợ dự án điện mặt trời, điện gió; gói tài trợ ưu đãi dành cho các lĩnh vực bền vững như năng lượng tái tạo, công trình xanh, xuất khẩu xanh...
Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục nghiên cứu để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới như: cho vay bền vững; cho vay liên kết bền vững, trái phiếu xanh, tư vấn lộ trình ESG... Tại các cuộc gặp song phương, VietinBank trao đổi các cơ hội hợp tác, những ý tưởng kinh doanh phục vụ phát triển bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng điện gió với Goldwind khi Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng gió lớn.
Với cam kết đồng hành cùng khách hàng chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0, VietinBank không ngừng tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bền vững. Từ đó, ngân hàng xây dựng các nền tảng cần thiết cho tài chính bền vững và hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong hành trình tiến tới kinh tế tuần hoàn.
Hải My