Bài toán tăng vốn trở thành vấn đề "nóng" ở cuộc họp cổ đông bất thường của Ngân hàng Công Thương (VietinBank) ngày 8/12, nhất là khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng đã chạm "ngưỡng nguy hiểm" do thời hạn áp chuẩn Basel II đang đến gần.
Theo số liệu của VCSC, CAR của VietinBank theo Basel I năm 2017 là 10% và năm 2018 dự báo còn 9,7%. Mức này thấp hơn trung bình ngành là 12,14% nhưng tỷ lệ này hiện vẫn cao hơn mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 9%. Tuy nhiên, nếu áp dụng tiêu chuẩn Basel II, theo tính toán của các công ty chứng khoán, CAR sẽ giảm từ 1-3%, khiến VietinBank có thể không đáp ứng được mức quy định tối thiểu.
Trong khi Vietcombank và BIDV đều đang xúc tiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, VietinBank vẫn "giậm chân tại chỗ" vốn điều lệ ở mức 46.200 tỷ đồng từ năm 2013 đến nay.
"Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại VietinBank là hơn 64% - mức thấp nhất được phê duyệt, tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong tình trạng kín room 30%. Trong khi dư địa tăng vốn cấp 2 cũng chỉ còn 600-700 tỷ đồng", Chủ tịch VietinBank, ông Lê Đức Thọ nói để cho thấy tình trạng thiếu vốn đang "rất cấp thiết".
Trong bối cảnh tỷ lệ an toàn vốn đã xuống gần mức sàn quy định, cách tăng vốn dễ nhất là chia cổ tức bằng cổ phiếu. Dù vậy, quyết định này có được chấp thuận hay không vẫn là câu chuyện phải nhìn từ nhiều phía. Như năm 2016, dù Ngân hàng Nhà nước đồng ý nhưng VietinBank vẫn không thể thực hiện do áp lực từ Bộ Tài chính với lý do từ vấn đề ngân sách.
Ngay cả phương án chia cổ tức năm 2017 với hơn 4.000 tỷ lợi nhuận còn lại, với mong muốn của VietinBank được chia toàn bộ hoặc một phần bằng cổ phiếu, nhưng đến nay đã gần hết năm 2018 vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền thông qua.
Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong báo cáo mới nhất đã hạ dự báo thị giá cổ phiếu CTG của VietinBank từ 29.500 đồng xuống 25.900 đồng, giảm hơn 12% do "triển vọng huy động vốn cấp 1 chưa rõ ràng".
"VietinBank cần bổ sung lượng vốn cấp 1 đáng kể, và lượng này chỉ có thể đến từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Một sự thay đổi trong trần sở hữu nước ngoài tối đa (FOL) cần phải được luật thông qua và do đó sẽ tốn nhiều thời gian", chuyên viên phân tích của VCSC bình luận.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank cũng cho biết nhà băng này đang đề xuất với Ngân hàng Nhà nước để được lựa chọn là một trong những ngân hàng quốc doanh được thí điểm giảm sở hữu Nhà nước xuống còn 51%, lộ trình sau năm 2020. Đây được xem là cửa tăng vốn "sáng nhất" cho VietinBank khi mà việc phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ khó có thể thực hiện do vấn đề thu xếp vốn của cổ đông Nhà nước.
Minh Sơn