9 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ.
Nguồn kinh phí được Ban Dân tộc các tỉnh tiếp nhận và trình Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch triển khai đảm bảo đúng đối tượng. Khoản hỗ trợ này góp phần ổn định cuộc sống, từng bước nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Ông Đặng Hoài Đức - Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, trong những năm qua, cuộc vận động ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm cao từ các doanh nhân, tổ chức xã hội, đơn vị toàn quốc. Đóng góp của ngân hàng thể hiện nỗ lực của đơn vị trong các chương trình hướng tới cộng đồng.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ hội thảo "Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực đồng bằng sông Cửu Long". Chương trình diễn ra vào ngày 5/4, tổ chức bởi Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc Quốc hội.
Hội thảo tập trung thảo luận các ý tưởng đột phá, giải pháp sáng tạo trong tổ chức triển khai hiệu quả chương trình tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và trên cả nước nói chung. Chương trình có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh năm 2022 là năm bản lề, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu đã đề ra và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021 - 2025. Đây cũng là năm đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Minh Huy